Thăm “vương quốc tỏi” mùa... không tỏi
Lý Sơn – huyện đảo thuộc tỉnh Quảng Ngãi, không ai giải thích được vì đâu, đã từ cả trăm năm nay được mệnh danh là “vương quốc tỏi”. Không quá cay, không quá lớn, không quá nồng, từng múi tỏi thơm lừng chỉ có trên hòn đảo nhỏ xanh ngắt giữa biển trời khiến ai một lần ra Lý Sơn đều nhớ mãi.
Phơi tỏi giống. Ảnh: Nam Cường
Thế nhưng, trong những ngày tháng 5 này, có một Lý Sơn hoàn toàn khác, một “vương quốc tỏi” vắng bóng cây tỏi...
“Nước mắt” cây hành
Đầu hạ, giữa tháng 5, mới tờ mờ sáng, cảng Sa Kỳ (huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) đã khét lẹt trong nắng, gió và mùi tanh nồng dội lên từ con vịnh nhỏ hẹp. Cửa biển Sa Kỳ như một con lươn nhỏ, trườn vào đất liền, ở đó, tàu thuyền chen chúc đậu.
Chiếc tàu cao tốc chở khách chạy tuyến đường biển Sa Kỳ – Lý Sơn trắng muốt, chốc chốc “rống” lên từng hồi, nhắc nhở hành khách khẩn trương mua vé.
50 ngàn “tiền tươi”, ngồi tạm trên boong bởi ghế đã chật kín, tôi là một trong những khách cuối cùng trong chuyến hành trình ra đảo Lý Sơn.
Dù đã khắc trong đầu lời dặn dò của cô chủ quán cà phê ở cảng Sa Kỳ, rằng Lý Sơn mùa này không có tỏi, nhưng khi hòn đảo xanh rì mờ ảo giữa lồng lộng đại dương, ý nghĩ không được cầm thân cây tỏi mát rượi, không được lang thang giữa bạt ngàn đồng tỏi làm tôi chạnh lòng. Mất hết ý nghĩa của một chuyến lang thang miền đảo nhỏ rồi chăng? Có thể lắm!
Bứt khỏi dòng người đông đúc, chen lấn xô đẩy ở cầu cảng Lý Sơn, đi bộ chưa đầy nửa tiếng đồng hồ, tôi lạc ngay giữa bạt ngàn ruộng bắp, hành mà người dân trồng chờ mùa gieo tỏi. Những cây bắp tốt ngang mặt người, trải dài trên triền cát trắng, màu xanh nhức mắt.
Chốc chốc, một vài chiếc xe bò chở đầy hành tươi lóc xóc về làng. Mùi hành quyện lên mũi, thơm nhè nhẹ, khoan khoái dễ chịu như đứa con xa nhà trở về ngửi mùi khói lam chiều từ nồi cơm mẹ già. Đảo nhỏ thanh bình và yên ả.
Thanh bình đến nỗi chẳng có ai rợn người khi biết rằng nơi đây, đã lâu lắm rồi, từng nằm sát ngay bên miệng núi lửa. Thấy người khách lạ trẻ tuổi cứ lang thang hết ruộng bắp đến đồng dưa, xăm xoi từng cuống hành, ông Phan Quang Vinh (thôn Tây, xã An Vĩnh) lắc đầu, cười: “Chẳng ai muốn trồng mấy cái thứ này đâu, bất đắc dĩ thôi. Mong tháng 7 đến nhanh nhanh để còn gieo tỏi”.
Ông Vinh được mệnh danh là “vua” trên “vương quốc tỏi” Lý Sơn với diện tích trồng tỏi 20 sào, trải dài mênh mông trên triền cát. Mỗi năm, gia đình 5 người của ông thu về không dưới trăm triệu.
Bây giờ, Lý Sơn đang vào mùa... không tỏi nên hầu như toàn bộ người dân huyện đảo đua nhau trồng hành, bắp và dưa. Vì năng suất không cao nên những thứ rau quả trên chỉ là trồng cho có. Ông Vinh than thở: “Năm ngoái, may mà bão số 6 đến sớm, nên nó chỉ tàn phá cây hành. Nó mà ập vào đúng mùa tỏi thì coi như cả huyện đi ăn xin. Nhưng chừng đó thôi cũng khiến bà con Lý Sơn khốn đốn rồi”.
Anh Đặng Đức Trí – người dân xóm họ Đặng, xã An Vĩnh cũng là một trong những “cự phú” vì nắm trong tay hàng trăm triệu đồng nhờ bao năm lặn lộn với cây tỏi.
Anh Vĩnh lại có suy nghĩ khác với ông Vinh: “Bà con ở đây đánh giá quá thấp vai trò của cây hành, cây bắp nên từ tháng Giêng đến tháng 7 chỉ làm cho vui, chứ thu nhập chẳng được mấy.
Cây tỏi cho thu nhập cao, nhưng rất thất thường và hay mất mùa. Ngoài ra, việc trồng bắp, hành và dưa cũng giúp đất luôn được giữ được độ ẩm và xốp. Đất mà không ẩm thì tỏi có là thánh cũng khó mà sống được”.
Mặt trời đứng bóng, lưng áo thiếu nữ Lý Sơn giữa bạt ngàn ruộng hành ướt đẫm mồ hôi. Niềm vui thắng lợi mùa hành khiến những tiếng cười giòn tan như át cả tiếng sóng bạc rì rào bên biển.
Ông Võ Xuân Huyện – Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn, vui vẻ: “Vài năm trở lại đây, có thể nói cây hành là cứu cánh cho người dân Lý Sơn. Tuy giá thành thấp, nhưng hành dễ trồng, lại ngắn vụ hơn, nên quanh năm, bà con không lo đói”. “Chúa đảo” Lý Sơn nói xong cười vang: “Có lẽ nên đổi thành “vương quốc hành” mới đúng. Chứ như thế này, tội cây hành lắm”.
Đua nhau làm du lịch
"Vương quốc tỏi" giữa muôn trùng biển khơi. Ảnh: Nam Cường
Trên hành trình 16 hải lý từ Sa Kỳ ra Lý Sơn, không chỉ tôi là khách lạ lên đảo, mà có ít nhất 10 người đi tham quan những thắng cảnh chỉ có trên “vương quốc tỏi”.
Quá trưa, tàu cập cầu cảng Lý Sơn, vừa “thoát” khỏi vòng vây của cánh xe ôm, anh Nguyễn Anh Hùng – một khách du lịch ở Đà Nẵng, nói: “Cũng hơn 6 năm rồi không ra đảo Lý Sơn, đảo tỏi bây giờ thay đổi quá.
Ngày xưa, tôi làm lính biên phòng gần chục năm ở đây, làm chi có cái khái niệm du lịch trên hòn đảo này”. Sáu năm trôi qua, vật đổi sao dời, có lẽ anh Hùng cũng chung khái niệm như tôi, háo hức lần đầu tiên đặt chân lên “đảo tỏi”.
Khi biết tôi bắt đầu thực hiện chuyến lang thang dọc miền Trung bằng xe máy, “chúa đảo” Lý Sơn Võ Văn Huyện oang oang qua điện thoại: “Tỉnh mới khai trương tuyến du lịch TP Quảng Ngãi – Sa Kỳ – Lý Sơn. Chú ra đây chơi, tiện thể tìm hiểu về du lịch đảo Lý Sơn. Thú vị lắm”.
Tôi với ông Võ Văn Huyện lúc đó cũng chỉ biết nhau qua điện thoại, bởi năm ngoái, trong gió rít quay cuồng cơn bão Xangsane, tôi đã “đốt” gần hết một cục pin Nokia mới sạc để nghe ông báo cáo chi tiết tình hình bão lụt và thiệt hại trên đảo.
Ông Huyện cho biết thêm, trong một chỉ đạo gần đây nhất, lãnh đạo huyện đang khuyến khích nhân dân trên đảo, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp... đầu tư các dịch vụ thiết yếu trong du lịch như: nhà hàng, ăn uống, nhà nghỉ, quầy hàng lưu niệm.
Quả thật, những thay đổi đến độ chóng mặt khiến anh Hùng cũng không còn nhận ra nơi ngày xưa anh từng gắn bó nhiều năm. Xốc thẳng ba lô về đơn vị cũ, anh vui vẻ: “Nhà hàng, quán nhậu, nhà nghỉ, cà phê, karaoke san sát, nào có thua gì thành phố đâu”.
Xế chiều, chúng tôi bắt đầu hành trình thăm chùa Hang, nơi được người dân Lý Sơn “maketing” là: Không đến chùa Hang coi như chưa ra đảo Lý Sơn.
Quả thật, cảm giác chiếc xe máy vi vút trên con đường nhựa phẳng lỳ giữa đồng ngô bao la, xung quanh là biển trời lồng lộng khiến con người ta như lạc giữa chốn tiên cảnh bồng lai.
Chùa Hang có cấu trúc khá đơn giản, nhưng lại khác biệt ở chỗ ngôi chùa sát ngay mép nước biển trong vắt, bên những mỏm đá cheo leo. Anh Trương Hữu Quang - Trưởng ban văn hóa xã An Vĩnh, cho biết: “Khi nào đến dịp lễ, hội mới có một vài khách, còn bình thường như thế này hiếm lắm”.
Chùa Đục – cũng là một thắng cảnh nằm gần sát mép nước biển, nhưng lại trung tâm, và được vây quanh bởi nhà hàng, quán nhậu, cà phê. Mặt trời vẫn còn cách bờ biển chừng con sào, nhưng quán nhậu, cà phê đã rôm rả từ lâu lắm rồi.
Bước vào nhà hàng Mỹ Linh - một trong những điểm dừng chân của du khách ghiền hải sản, tôi giật mình khi thấy hầu như dân nhậu đều “đạp” dưới chân cơ man nào là bia Heineken.
Khi đã yên vị, anh bạn dân bản địa nháy mắt: “Đừng lạ, bò gù là món thức uống thân quen của cư dân đảo tỏi đấy”. Sau này tôi mới biết, “bò gù” là biệt danh mà dân Lý Sơn đặt cho bia Heineken.
Ôi! Cái thứ bia xanh ngắt, lành lạnh mà ở Đà Nẵng, thỉnh thoảng “hội độc thân” chúng tôi mới có một lần “vung tay quá trán”, vậy mà trên hòn đảo nhỏ này, nó là “thức uống thân quen”.
Khâm phục! “Bò gù” bắt đầu thấm mềm môi cũng là lúc anh bạn bản địa nhấp nháy đầy vẻ ý nhị: “Chơi không, đi hát karaoke, rồi đưa về phòng nghỉ?”.
Chẳng cần phải nhờ anh này bật mí, một ngày đêm lùng sục trên đảo, rồi khi vào quán, nhìn mấy em “xanh xanh đỏ đỏ, õng à õng ẹo”, tôi ngầm hiểu: Không có gì là không thể...
Sáng tinh mơ, tàu cao tốc lại bạt sóng trắng xoá, đưa tôi về đất liền. Trên cầu cảng, dòng người vẫn chen chúc nhau, bán mua, đưa đón tấp nập.
Từng con thuyền chở vật liệu xây dựng liên tục cập bến, phía trong kia, nhiều công trình nhà hàng, nhà nghỉ, quán karaoke đang xây dựng dở dang. Chợt nghĩ, nhà nhà đua nhau làm du lịch ở Lý Sơn, còn nhiều việc cần phải bàn lắm.
Nam Cường
Theo vietbao.vn