Thứ Năm, 14 tháng 5, 2009

Ăn tỏi tốt cho tim
Ảnh: Nguyễn Văn Thanh
Các nhà nghiên cứu đã lý giải được vì sao tỏi lại giúp cho trái tim khỏe mạnh. Người ăn nhiều hành tỏi ít bị ung thư.


Chìa khóa là ở allicin, phân hủy thành các hợp chất lưu huỳnh gây mùi khó ngửi cho hơi thở. Những hợp chất này phản ứng với các tế bào hồng cầu và tạo ra hydro sunfua làm thư giãn mạch máu và giúp máu lưu thông dễ dàng hơn.

Hydro sunfua tạo ra mùi trứng thối và được sử dụng trong các loại bom thối. Nhưng một lượng nhỏ trong máu đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp các tế bào giao tiếp với nhau. Và trong mạch máu, nó kích thích các tế bào thư giãn, khiến cho mạch máu được giãn nở. Điều này sẽ làm giảm huyết áp, giúp máu mang nhiều oxy tới các cơ quan nội tạng quan trọng và giảm sức ép lên tim.

Nhà nghiên cứu đứng đầu David Kraus nói: "Kết quả của chúng tôi cho thấy có tỏi trong bữa ăn là một điều rất tốt. Ở những vùng mà người ta ăn nhiều tỏi, như Địa Trung hải và Cận Đông, tỷ lệ bị mắc bệnh tim mạch thấp".

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo ăn quá nhiều tỏi có thể phản ứng với những loại thuốc làm mỏng mạch máu và gây ra nguy cơ chảy máu.
M.T. (BBC)

Theo http://www.tin247.com/
Tại sao tỏi tốt cho sức khoẻ?
Ảnh : Nguễn Văn Thanh
Từ lâu con người đã phát hiện ra ích lợi của tỏi đối với sức khoẻ nhưng chưa lý giải tại sao loài dược thảo này lại có ích như vậy. Để tìm hiểu điều đó các nhà nghiên cứu đã tiến hành giải mã mùi thơm của tỏi.

Trong một công trình khoa học được đăng trên Proceedings of the National Academy of Sciences, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng ăn tỏi giúp chúng ta cung cấp cho cơ thể một lượng Hyđro sunfua, là chất độc khi tập trung ở nồng độ cao. Chất này có mùi trứng thối và được sử dụng trong các loại bom thối. Một lượng nhỏ chất này trong máu đóng vai trò quan trọng trong việc giúp tế bào giao tiếp với nhau. Trong mạch máu nó kích thích tế bào thư giãn, khiến mạch máu được giãn nở điều này sẽ làm giảm huyết áp, giúp máu mang nhiều oxy tới các cơ quan nội tạng quan trọng và giảm sức ép lên tim.

Trong nghiên cứu gần đây được báo cáo tại trường ĐH Alabama, Birmingham, các nhà khoa học đã đưa vào tế bào hồng cầu một lượng nhỏ nước ép tỏi, và họ thấy rằng các tế bào tế bào này ngay lập tức tiết ra chất Hyđro sunfua. Kết quả này giúp các nhà khoa học giải thích tại sao tỏi giúp ngăn ngừa các bệnh ung thư như ung thư ruột kết, ung thư tuyến tiền liệt…Các nhà nghiên cứu thuộc ĐH Albert Einstein trong khi làm thí nghiệm với chuột cũng thấy rằng tỏi làm giảm các bệnh về tim mạch vì chúng làm giảm lượng cholesterol trong máu.

Lượng tỏi mà con người nên dùng là khoảng 2 nhánh một ngày. Ở một số nước như Ý, Hàn Quốc, Trung Quốc, nơi mà tỏi được dùng như một loại thuốc để ngăn ngừa bệnh tật thì trung bình mỗi người ăn từ 8-12 nhánh một ngày. Số lượng này có vẻ nhiều nhưng khi có thói quen dùng tỏi như một gia vị trong các món ăn hàng ngày thì có thể dùng tăng lên 5 nhánh một ngày. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết dùng tỏi đúng cách. Các bà nội trợ thường có thói quen dùng tỏi ngay sau khi ép hoặc băm nhỏ, điều đó là không tốt. Nên ép hoặc băm tỏi trong nhiệt độ của phòng và để chúng trong vòng 15 phút để tỏi phá bỏ các enzyme không có lợi cho sức khoẻ.

Tỏi cũng có những mặt hạn chế, dùng tỏi nhiều gây nên chứng khó tiêu và điều khó chịu nhất khi dùng tỏi đó là chúng khiến hơi thở luôn có mùi …tỏi. Tại những khách sạn ở Ấn Độ người ta dùng hạt cây thì là để hạn chế mùi tỏi sau bữa ăn. Thuốc viên tỏi cũng giúp tránh được sự phiền phức này khi được trộn bổ sung một số tá dược. Tất cả những tác dụng của tỏi vẫn sẽ được giữ lại trong quá trình sản xuất.

TS. David W.Kraus thuộc trường ĐH Alabama, Birmingham cho biết: không phải ngẫu nhiên các vận động viên Hy Lạp đã dùng tỏi làm thức ăn để nâng cao sức khoẻ trước khi tham gia tranh tài tại các kỳ Olympic.
Phương Hà biên dịch.
Theo
http://www.vast.ac.vn/

Thứ Tư, 13 tháng 5, 2009

TỎI LÝ SƠN
Ảnh: Nguyễn Văn Thanh
Người đầu tiên quảng bá cho tỏi Lý Sơn một cách chính thức bằng một hình thức sang trọng bậc nhất, là một người thuộc “dòng” văn nghệ: nhà văn nổi tiếng Nguyễn Thành Long.Ngay sau ngày giải phóng, giữa bộn bề gian khó, Nguyễn Thành Long đã lặng lẽ xuống thuyền đò trực chỉ đảo Lý Sơn. Đó là chuyến thuyền đò mà ông đã miêu tả hết sức sinh động ở đoạn mở đầu truyện ngắn Lý Sơn mùa tỏi. Có thể nói, đó là tác phẩm văn học đầu tiên viết về tỏi Lý Sơn, và đó là một truyện ngắn rất hay.

Nhờ đọc Lý Sơn mùa tỏi mà tôi biết quê mình có... đảo Lý Sơn, có một đặc sản lúc bấy giờ ít người để ý là... tỏi.Mãi sau khi truyện ngắn Lý Sơn mùa tỏi ra đời hai thập kỷ, tôi mới có dịp ra thăm đảo Lý Sơn, và tận mắt chứng kiến những thửa ruộng trồng tỏi của nông dân trên đảo.

Đó là những tác phẩm nghệ thuật xếp đặt thực sự, nó hấp dẫn khách thăm ngay từ cái nhìn đầu tiên, trước khi khách được nếm vị cay thơm đặc sắc của những tép tỏi trồng trên đất đảo. Lý Sơn là một đảo núi lửa cũ, đất trên đảo là nham thạch núi lửa đã qua nghìn triệu năm. Nhưng nếu chỉ trồng trên đất này không thôi, thì tỏi Lý Sơn chưa thể có hương vị đặc trưng độc đáo như vậy.

Người trồng tỏi ở đây thật kỳ công, họ mang về từ biển những bao cát để trải trên bề mặt lớp đất trồng tỏi. Đó không phải cát biển bình thường, mà là một loại cát đặc biệt: nó được tạo nên bởi những lớp vỏ hàu vỏ ốc đã mủn qua thời gian hàng trăm nghìn năm. Cát ấy, khi được trải trên đất trồng tỏi không chỉ làm cây tỏi tươi tốt, mà còn tạo cho củ tỏi một hương vị đặc biệt không một loại tỏi nào trên thế giới có được.

Tỏi Lý Sơn thơm dịu, cay dịu, không gây sốc cho người ăn, và không để lại trong miệng mùi hôi của tỏi thường. Tép tỏi nhỏ, nhưng chắc, và nó không chỉ là một thứ gia vị hảo hạng, mà còn là một vị thuốc quý. Người Quảng Ngãi rất chuộng loại “tỏi một” của Lý Sơn - tức là củ tỏi chỉ có một tép, ngâm “tỏi một” vào rượu thành một vị thuốc chữa cao huyết áp và mỡ máu, hạ cholesterol trong máu, nâng cao sức đề kháng của cơ thể.Tỏi Lý Sơn quý như thế, nhưng suốt bao năm qua, nó vẫn chỉ là loại “hàng hóa thường” lẫn lộn với nhiều loại gia vị khác. Chỉ người biết tính năng, đặc sắc và công dụng của tỏi này mới quý nó, nhưng không nhiều những người biết đến tỏi Lý Sơn như một đặc sản. Nay thì tỏi Lý Sơn đã chính thức được công nhận thương hiệu. Từ chỗ “thơm tho ai biết ngát lừng ai hay” tới chỗ được công nhận là một quãng đường dài, nhưng từ chỗ được công nhận bởi cơ quan chức năng nhà nước tới chỗ thực sự có một thương hiệu, một thương hiệu nổi tiếng trên thương trường, quãng đường còn dài hơn.

Nếu nhà văn Nguyễn Thành Long đã có công đầu đưa tỏi Lý Sơn vào văn học, thì bây giờ lại cần một sự hợp đồng tổng lực để quảng bá, giới thiệu tỏi Lý Sơn ra thương trường trong nước và quốc tế.Tôi đã từng gửi tỏi Lý Sơn biếu bạn bè ở Pháp, ở Mỹ, và nó đã được đón nhận nồng nhiệt như chính hương vị của nó.


Lý Sơn trong lịch sử đã từng là căn cứ xuất phát của những “hải đội Hoàng Sa”, và bây giờ vẫn là một “chiến hạm nổi” án ngữ và bảo vệ cho vùng biển Quảng Ngãi, đặc biệt là Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Nhưng Lý Sơn cũng là một địa chỉ du lịch đầy tiềm năng với thiên nhiên đẹp tuyệt vời, và với một đặc sản bình dị nhưng khó quên


Thanh Thảo.


Theo Thanh nien



Thứ Ba, 12 tháng 5, 2009

Chữa bệnh bằng củ tỏi
Ảnh: Nguyễn Văn Thanh

Nếu bị chảy máu cam, chỉ cần lấy 1-2 tép tỏi đập giập, bỏ vào lòng bàn tay thì máu sẽ cầm ngay. Nếu chảy máu lỗ mũi bên trái thì bỏ tỏi vào lòng bàn tay phải và ngược lại, còn nếu chảy máu cả 2 mũi thì làm cả hai bàn tay.

Trên đây là một trong những cách chữa bệnh bằng củ tỏi, một vị thuốc đã được cả y học cổ truyền và y học hiện đại khẳng định về công dụng thần kỳ trong chữa bệnh. Theo Đông y, tỏi có tác dụng sát trùng, giải độc, chữa huyết lỵ, tẩy uế, thông khiếu, tiêu nhọt, hạch ở phổi, tiêu đờm, đầy chướng, đại tiểu tiện khó khăn, tả lỵ…

Y học hiện đại cho rằng tỏi có thể làm tăng cường hệ miễn dịch, là kháng sinh đa năng, điều hòa huyết áp và đường huyết, chống sinh huyết khối. Tỏi có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm (đặc biệt là nấm candida), giảm huyết áp, giảm cholesterol máu và lipit máu, đề phòng xơ vữa động mạch.

Sau đây là một số bài thuốc dễ áp dụng từ tỏi:

- Phòng bệnh cúm: 20 g-30 g tỏi, giã nát ngâm vào lọ đựng 200 ml dầu vừng hoặc dầu lạc. Mỗi buổi sáng tẩm bông và hít vào mũi 1-2 lần.

- Chữa lỵ amip, lỵ trực khuẩn: Dùng 4-6 g tỏi sắc uống hoặc ăn trong bữa cơm. Lấy 10 g tỏi giã nát ngâm với 100 ml nước sôi để nguội, khoảng 1-2 giờ sau lọc qua gạc (không cần tiệt trùng) rồi thụt vào hậu môn, giữ lâu 10-15 phút. Mỗi ngày làm 1 lần, liên tục 5-7 ngày sẽ rất có kết quả.

- Chữa ung nhọt, áp xe: Tỏi giã giập, đắp vào 15-20 phút, ngày làm 2 lần. Nếu trộn với dầu vừng đắp thì càng tốt.

- Trị giun kim, giun móc: Thường xuyên ăn tỏi sống, mỗi ngày 1-3 tép tỏi. Dùng nước tỏi 5%-10% thụt vào hậu môn mỗi buổi chiều hoặc tối, làm liên tục 2-3 tối.

- Ổn định huyết áp, giảm cholesterol, đề phòng xơ vữa động mạch: Rượu 45 độ, tỏi giã nhỏ ngâm với tỷ lệ 1/5, mỗi ngày uống 20-50 giọt chia 2-3 lần. Không dùng quá liều (vì huyết áp sẽ tăng).

Lưu ý:

- Phụ nữ có thai, người âm hư nội nhiệt (thể trạng gầy, tiểu vàng, khô, khát, nóng bên trong), đau mắt, mũi, răng, cổ, lưỡi... không nên dùng những bài thuốc trên.

- Tỏi dễ gây bỏng, kích ứng niêm mạc miệng, lưỡi, đường tiêu hóa, phân tán mùi qua hơi thở và mồ hôi. Vì vậy không nên dùng liều cao và lâu dài. Sau khi dùng một thời gian, hãy nghỉ ít lâu mới dùng lại.

- Theo kinh nghiệm nhân dân, loại tỏi trồng tại Việt Nam, củ nhỏ có tác dụng chữa bệnh tốt hơn so với loại tỏi củ to nhập từ Trung Quốc.

Lương y Nguyễn Đức Nghĩa, SGGP
Theo http://www.ykhoanet.com

Thứ Hai, 11 tháng 5, 2009

Tính tốt của tỏi
Ảnh: Nguyễn Văn Thanh
TT - Nhiều nhà nghiên cứu đã chứng minh vai trò và tính hiệu quả của tỏi trong việc làm giảm hàm lượng cholesterol trong máu. Họ cho rằng tỏi là tác nhân làm giảm hàm lượng chất béo trong cơ thể và đóng vai trò quan trọng trong tiến trình xử lý các trường hợp cholesterol cao.

Thông thường hàm lượng cholesterol giảm khoảng 12% và mức độ giảm này thường hiệu quả sau bốn tuần xử lý. Ngoài ra các nghiên cứu được tiến hành trên 261 bệnh nhân ở Đức được cho sử dụng dạng viên bột tỏi. Kết quả sau 12 tuần xử lý, mức độ cholesterol trong huyết thanh giảm 12% và triglycerides giảm 17%.

Những nghiên cứu mới về việc sử dụng tỏi cho nhóm phụ nữ mang thai cho thấy có thể giảm được chứng tiền sản giật. Các nghiên cứu đã thể hiện vai trò của tỏi trong việc kích thích sự tăng trọng lượng của thai nhi (theo Sooranna, Hirani, Das ở London, Anh). Họ kết luận mặc dù chứng tiền sản giật và sự chậm tăng trưởng bào thai thường do các điều kiện ảnh hưởng phức tạp, tuy nhiên khi sử dụng viên tỏi theo tiêu chuẩn trong quá trình mang thai có thể làm giảm nguy cơ của các biến chứng trong thời kỳ mang thai.

Các thí nghiệm còn cho thấy bổ sung tỏi dạng trích ly trong lúc phụ nữ mang thai có khả năng kích thích sự tăng trưởng của bào thai và còn cho thấy sự bất bình thường trong thời kỳ thai nghén có thể giảm một cách đáng kể.

Các thông tin gần đây đã khẳng định lần nữa ảnh hưởng tốt của tỏi trong hóa học trị liệu và cho biết allicin trong chất mùi của tỏi (hợp chất chứa sulfur) là thành phần có hoạt tính sinh học chủ yếu. Allicin được tạo ra khi chất alliin tiếp xúc với enzyme allinase khi tỏi được nhai, bằm nhỏ hay được nghiền nát và là thành phần tạo mùi đặc trưng của tỏi. Allicin còn được xem là chất kháng sinh tự nhiên.

Tỏi còn chứa nhiều chất chống oxy hóa, có khả năng trung hòa các gốc tự do là những chất làm tổn hại đến các tế bào. Do đó tỏi có vai trò ngăn cản sự hình thành và phát triển khối u ác tính, ngăn ngừa xơ vữa động mạch, làm chậm quá trình lão hóa và các tiến trình khác...

Một vài nghiên cứu đã giải thích tác động chống nhiễm trùng của allicin. Nghiên cứu này lần nữa khẳng định vai trò xuất sắc của tỏi là một loại dược phẩm chống các loại vi sinh vật gây nhiễm trùng. Nghiên cứu khác (của Biochimica Biophysica Acta) đã giúp làm sáng tỏ vai trò của allicin trong phòng chống bệnh tim mạch và các rối loạn khác. Hơn nữa, vai trò của allicin trong việc chống nhiễm trùng đặc biệt có giá trị đối với các loại vi khuẩn có khả năng kháng lại chất kháng sinh.

TS. NGUYỄN MINH THỦY (ĐH Cần Thơ)
Theo tuổi trẻ.
Nhọc nhằn nghề trồng tỏi
Ảnh: Nguyễn Văn Thanh
Thủy triều hạ xuống, cát được phủ bởi lớp rêu biển xen lẫn đá và nước. Cuốc, xẻng, đôi gánh, rổ tre, rổ nhựa và hàng chục chiếc bao bày la liệt. Hàng trăm nông dân “vương quốc tỏi” đang vào vụ trên “cánh đồng biển”.
Chuyển cát từ biển lên đảo để trồng tỏi Cát nặng đôi vai
Đôi tay thô trần, ông Phạm Văn Trợ (An Vĩnh, Lý Sơn, Quảng Ngãi) cuốc mạnh xuống gò rồi lấy xẻng xúc những hạt cát xen lẫn sạn, rêu biển đưa vào rổ tre cho vợ. Bà Trạng - vợ ông - lắc mạnh rổ tre làm cát theo nước rơi xuống thau, sạn và những thứ khác còn đọng lại trong rổ, bà bỏ đi...

Ông Trợ nói: “Phải sàng lọc thật kỹ, nếu để những hạt sạn xen lẫn trong cát, khi đưa lên đồng, củ tỏi cắm xuống sẽ bị hư. Tỏi phát triển nhờ có lượng cát trắng phủ trên bề mặt đất, giữ độ ẩm. Tỏi là cây nông nghiệp chính của huyện đảo. Tất cả nông dân ở đây đều khai thác cát ngoài biển để trồng tỏi”.

Dọc hơn 3 km bờ biển, những chiếc bè chở cát của nông dân xã An Hải thấp thoáng trước mắt. Nông dân đang lao động trên “hòn đảo trắng” của mình. Công việc tưởng chừng đơn giản: cho cát vào bao, đưa lên bè, đẩy vào bờ nhưng khi vào việc mới thấy vất vả: Khi thủy triều lên, đẩy bè ra cồn cát neo đậu, bơi trở vào. Thủy triều xuống, nước cạn, lội bộ ra cho cát vào bao, đưa lên bè. Đợi thủy triều lên, bơi ra đẩy bè vào bờ.

“Muốn cây tỏi xanh tốt phải có cát. Mỗi khi biển động, phải vật lộn với từng con sóng xô đập vài ba giờ mới đưa được bè cát vào bờ, nhiều khi bè chao đảo làm người ngã lăn trầy xước cả mình” - anh Phạm Ngọc Danh tâm sự.

Trẻ thơ cũng phải lam lũ

Công việc nặng nhọc này tưởng chừng chỉ dành cho những người lớn. Nhưng trên “cánh đồng biển” này có không ít đứa trẻ oằn mình dưới cái nắng biển để tìm cát. Chúng cúi gập người xuống mặt biển múc, giữ cát không cho trôi theo dòng nước sau đó xúc và sàng thật kỹ, đưa lên đổ thành từng ụ. Em Nguyễn Thị Tài (An Vĩnh, Lý Sơn) nói: “Em vừa tan học, về nhà ăn vội bát cơm rồi chạy liền ra đây lấy cát cùng chị, thủy triều chỉ hạ một lúc là lên lại, không thể chậm trễ được. Ba mẹ em bận trên đồng nên công việc này là của hai chị em”.

Từng ụ cát nhô lên giữa “cánh đồng biển”. Đoàn người chuẩn bị “tập kết” cát vào bờ, di chuyển lên đồng. Những khuôn mặt tuổi thơ đã đen sẫm do phải luôn đối mặt với nắng và nước biển, cẩn thận cho từng hạt cát vào bao, khập khiễng vác vào bờ trên quãng đường dài hơn 150 m.

Dường như con đường đến trường của những đứa trẻ nơi đây chông chênh bao nỗi nhọc nhằn. Công việc này không phải lúc nào cũng có thể làm, mỗi tháng thủy triều chỉ hạ năm - bảy ngày vào đầu và giữa tháng nên những đứa trẻ phải tranh thủ ngoài giờ học ra phụ giúp ba mẹ để lấy đủ lượng cát, kịp cho vào mùa vụ. Và vì thế, hành trình đến với con chữ của các em vùng xa đã khó khăn lại càng gian nan hơn khi vừa rời lớp phải vội vàng đến “cánh đồng” cùng ba mẹ đào bới, sàng lọc, mang vác nặng... Sau đó chạy lên trường cho kịp giờ học...

Mặt trời lặn dần trên mặt biển. Không gian trở nên lạnh lẽo hơn khi hoàng hôn buông xuống. Thấp thoáng đoàn người lầm lũi rời khỏi “cánh đồng biển” nhường cho tiếng sóng vỗ vào bờ, những chiếc nón trắng khuất dần trong bóng tối.

Nếu thiếu cát trắng, cây tỏi không phát triển được

Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Võ Xuân Huyện cho biết: “Nhờ cây tỏi, nhiều gia đình quê đảo đã vươn lên thoát nghèo và nuôi con thành tài. Những đứa con quê đảo hiện ngồi trên giảng đường đại học là nhờ cây tỏi. Chính quyền địa phương đã nhiều lần tổ chức nghiên cứu, thử nghiệm trồng cây tỏi không có cát trắng cho nông dân bớt khổ nhưng tỏi không phát triển được và năng suất rất thấp...”.

Bài và ảnh: Lê Hùng
Theo Báo người lao động.

Chủ Nhật, 10 tháng 5, 2009

11 cách dùng tỏi phòng chống cúm
Công dụng kháng khuẩn, kháng virus và kháng ký sinh trùng của tỏi đã được chứng minh, nhưng cách thức sử dụng thế nào để đạt hiệu quả phòng chống cúm cao nhất thì không phải ai cũng tường tận. Sau đây là 11 cách ứng dụng tốt nhất.


1. Tỏi 100 g, gừng tươi 100 g, dấm ăn 500 ml. Tỏi và gừng rửa sạch, thái nhỏ rồi cho vào lọ ngâm với dấm, bịt kín, sau chừng 30 ngày thì dùng được. Pha chế với nước chấm hoặc mỗi ngày uống 10 ml sau bữa ăn.

2. Tỏi 1 củ, bóc vỏ, rửa sạch, giã nát, ép lấy nước rồi dùng nước sôi để nguội pha loãng gấp 10 lần, nhỏ mũi mỗi ngày từ 3-5 lần. Hoặc dùng nửa tép tỏi, giã nhuyễn trong chén đã rửa sạch rồi cho 10 ml nước muối sinh lý (Natri clorid 0,9%) vào chén, khuấy nhẹ, bỏ bã, gạn lấy phần nước trong, dùng nhỏ mũi 2-3 lần/ngày.

3. Tỏi 60 g, đậu xị 30 g. Hai thứ đem nấu thành canh ăn trong ngày, mỗi ngày 1 thang, dùng liền trong 3 ngày.

4. Tỏi 2 củ, lá tre tươi 20 g, lá sen 10 g, lá cải củ 30 g. Tất cả rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước nhỏ mũi 2-3 lần trong ngày.

5. Tỏi 6 củ, gừng tươi 12 g, một ít đường đỏ. Tất cả đem sắc lấy nước uống nóng, mỗi ngày 1 thang.

6. Tỏi 25 g, hành củ 50 g. Hai thứ rửa sạch, thái nhỏ, sắc kỹ với 250 ml nước, uống mỗi lần 1 chén, mỗi ngày 3 lần.

7. Tỏi 1 củ, dấm gạo vừa đủ. Tỏi bóc vỏ, rửa sạch giã nát, chế thêm nước đun sôi rồi cho dấm gạo vào, đổ vào ấm pha trà, dùng hơi nóng để xông mũi và miệng.

8. Tỏi 10 g, lá bạc hà 20 g, lá ngải cứu 30 g, lá đại thanh (lá bọ mẩy) 12 g, thạch xương bồ 12 g. Các vị giã nát rồi bỏ vào trong một cái túi vải, đeo trước ngực để phòng chống cảm cúm.

9. Tỏi 6 g, lá bạc hà 6 g, lá đại thanh 20 g, rễ chàm 12 g. Các vị thuốc đem giã nát, bỏ vào trong một chén nhỏ, mỗi ngày ngửi vài lần.

10. Tỏi 100 g, dấm gạo 200 ml, đường đỏ 100 g. Tỏi bóc vỏ, đem ngâm với dấm và đường đỏ, sau 10 ngày là dùng được, mỗi ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 10 ml.

11. Tỏi 500 g, sirô đường đơn (monosaccharide) 300 ml, acid acetic 2 ml, nước cất vừa đủ. Tỏi bóc vỏ, rửa sạch, giã nát và ép lấy nước. Đổ sirô đường đơn vào bã tỏi rồi tiếp tục nghiền đều, chế thêm acid acetic và một lượng nước cất vừa đủ thành 800 ml; đổ nước ép tỏi vào, thêm nước cất thành 1.000 ml là được. Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 10 ml.

(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)

Thăm “vương quốc tỏi” mùa... không tỏi
Lý Sơn – huyện đảo thuộc tỉnh Quảng Ngãi, không ai giải thích được vì đâu, đã từ cả trăm năm nay được mệnh danh là “vương quốc tỏi”. Không quá cay, không quá lớn, không quá nồng, từng múi tỏi thơm lừng chỉ có trên hòn đảo nhỏ xanh ngắt giữa biển trời khiến ai một lần ra Lý Sơn đều nhớ mãi.


Phơi tỏi giống. Ảnh: Nam Cường

Thế nhưng, trong những ngày tháng 5 này, có một Lý Sơn hoàn toàn khác, một “vương quốc tỏi” vắng bóng cây tỏi...

“Nước mắt” cây hành

Đầu hạ, giữa tháng 5, mới tờ mờ sáng, cảng Sa Kỳ (huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) đã khét lẹt trong nắng, gió và mùi tanh nồng dội lên từ con vịnh nhỏ hẹp. Cửa biển Sa Kỳ như một con lươn nhỏ, trườn vào đất liền, ở đó, tàu thuyền chen chúc đậu.

Chiếc tàu cao tốc chở khách chạy tuyến đường biển Sa Kỳ – Lý Sơn trắng muốt, chốc chốc “rống” lên từng hồi, nhắc nhở hành khách khẩn trương mua vé.

50 ngàn “tiền tươi”, ngồi tạm trên boong bởi ghế đã chật kín, tôi là một trong những khách cuối cùng trong chuyến hành trình ra đảo Lý Sơn.

Dù đã khắc trong đầu lời dặn dò của cô chủ quán cà phê ở cảng Sa Kỳ, rằng Lý Sơn mùa này không có tỏi, nhưng khi hòn đảo xanh rì mờ ảo giữa lồng lộng đại dương, ý nghĩ không được cầm thân cây tỏi mát rượi, không được lang thang giữa bạt ngàn đồng tỏi làm tôi chạnh lòng. Mất hết ý nghĩa của một chuyến lang thang miền đảo nhỏ rồi chăng? Có thể lắm!

Bứt khỏi dòng người đông đúc, chen lấn xô đẩy ở cầu cảng Lý Sơn, đi bộ chưa đầy nửa tiếng đồng hồ, tôi lạc ngay giữa bạt ngàn ruộng bắp, hành mà người dân trồng chờ mùa gieo tỏi. Những cây bắp tốt ngang mặt người, trải dài trên triền cát trắng, màu xanh nhức mắt.


Chốc chốc, một vài chiếc xe bò chở đầy hành tươi lóc xóc về làng. Mùi hành quyện lên mũi, thơm nhè nhẹ, khoan khoái dễ chịu như đứa con xa nhà trở về ngửi mùi khói lam chiều từ nồi cơm mẹ già. Đảo nhỏ thanh bình và yên ả.

Thanh bình đến nỗi chẳng có ai rợn người khi biết rằng nơi đây, đã lâu lắm rồi, từng nằm sát ngay bên miệng núi lửa. Thấy người khách lạ trẻ tuổi cứ lang thang hết ruộng bắp đến đồng dưa, xăm xoi từng cuống hành, ông Phan Quang Vinh (thôn Tây, xã An Vĩnh) lắc đầu, cười: “Chẳng ai muốn trồng mấy cái thứ này đâu, bất đắc dĩ thôi. Mong tháng 7 đến nhanh nhanh để còn gieo tỏi”.

Ông Vinh được mệnh danh là “vua” trên “vương quốc tỏi” Lý Sơn với diện tích trồng tỏi 20 sào, trải dài mênh mông trên triền cát. Mỗi năm, gia đình 5 người của ông thu về không dưới trăm triệu.

Bây giờ, Lý Sơn đang vào mùa... không tỏi nên hầu như toàn bộ người dân huyện đảo đua nhau trồng hành, bắp và dưa. Vì năng suất không cao nên những thứ rau quả trên chỉ là trồng cho có. Ông Vinh than thở: “Năm ngoái, may mà bão số 6 đến sớm, nên nó chỉ tàn phá cây hành. Nó mà ập vào đúng mùa tỏi thì coi như cả huyện đi ăn xin. Nhưng chừng đó thôi cũng khiến bà con Lý Sơn khốn đốn rồi”.

Anh Đặng Đức Trí – người dân xóm họ Đặng, xã An Vĩnh cũng là một trong những “cự phú” vì nắm trong tay hàng trăm triệu đồng nhờ bao năm lặn lộn với cây tỏi.

Anh Vĩnh lại có suy nghĩ khác với ông Vinh: “Bà con ở đây đánh giá quá thấp vai trò của cây hành, cây bắp nên từ tháng Giêng đến tháng 7 chỉ làm cho vui, chứ thu nhập chẳng được mấy.

Cây tỏi cho thu nhập cao, nhưng rất thất thường và hay mất mùa. Ngoài ra, việc trồng bắp, hành và dưa cũng giúp đất luôn được giữ được độ ẩm và xốp. Đất mà không ẩm thì tỏi có là thánh cũng khó mà sống được”.

Mặt trời đứng bóng, lưng áo thiếu nữ Lý Sơn giữa bạt ngàn ruộng hành ướt đẫm mồ hôi. Niềm vui thắng lợi mùa hành khiến những tiếng cười giòn tan như át cả tiếng sóng bạc rì rào bên biển.

Ông Võ Xuân Huyện – Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn, vui vẻ: “Vài năm trở lại đây, có thể nói cây hành là cứu cánh cho người dân Lý Sơn. Tuy giá thành thấp, nhưng hành dễ trồng, lại ngắn vụ hơn, nên quanh năm, bà con không lo đói”. “Chúa đảo” Lý Sơn nói xong cười vang: “Có lẽ nên đổi thành “vương quốc hành” mới đúng. Chứ như thế này, tội cây hành lắm”.

Đua nhau làm du lịch

"Vương quốc tỏi" giữa muôn trùng biển khơi. Ảnh: Nam Cường

Trên hành trình 16 hải lý từ Sa Kỳ ra Lý Sơn, không chỉ tôi là khách lạ lên đảo, mà có ít nhất 10 người đi tham quan những thắng cảnh chỉ có trên “vương quốc tỏi”.

Quá trưa, tàu cập cầu cảng Lý Sơn, vừa “thoát” khỏi vòng vây của cánh xe ôm, anh Nguyễn Anh Hùng – một khách du lịch ở Đà Nẵng, nói: “Cũng hơn 6 năm rồi không ra đảo Lý Sơn, đảo tỏi bây giờ thay đổi quá.

Ngày xưa, tôi làm lính biên phòng gần chục năm ở đây, làm chi có cái khái niệm du lịch trên hòn đảo này”. Sáu năm trôi qua, vật đổi sao dời, có lẽ anh Hùng cũng chung khái niệm như tôi, háo hức lần đầu tiên đặt chân lên “đảo tỏi”.

Khi biết tôi bắt đầu thực hiện chuyến lang thang dọc miền Trung bằng xe máy, “chúa đảo” Lý Sơn Võ Văn Huyện oang oang qua điện thoại: “Tỉnh mới khai trương tuyến du lịch TP Quảng Ngãi – Sa Kỳ – Lý Sơn. Chú ra đây chơi, tiện thể tìm hiểu về du lịch đảo Lý Sơn. Thú vị lắm”.

Tôi với ông Võ Văn Huyện lúc đó cũng chỉ biết nhau qua điện thoại, bởi năm ngoái, trong gió rít quay cuồng cơn bão Xangsane, tôi đã “đốt” gần hết một cục pin Nokia mới sạc để nghe ông báo cáo chi tiết tình hình bão lụt và thiệt hại trên đảo.

Ông Huyện cho biết thêm, trong một chỉ đạo gần đây nhất, lãnh đạo huyện đang khuyến khích nhân dân trên đảo, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp... đầu tư các dịch vụ thiết yếu trong du lịch như: nhà hàng, ăn uống, nhà nghỉ, quầy hàng lưu niệm.

Quả thật, những thay đổi đến độ chóng mặt khiến anh Hùng cũng không còn nhận ra nơi ngày xưa anh từng gắn bó nhiều năm. Xốc thẳng ba lô về đơn vị cũ, anh vui vẻ: “Nhà hàng, quán nhậu, nhà nghỉ, cà phê, karaoke san sát, nào có thua gì thành phố đâu”.

Xế chiều, chúng tôi bắt đầu hành trình thăm chùa Hang, nơi được người dân Lý Sơn “maketing” là: Không đến chùa Hang coi như chưa ra đảo Lý Sơn.

Quả thật, cảm giác chiếc xe máy vi vút trên con đường nhựa phẳng lỳ giữa đồng ngô bao la, xung quanh là biển trời lồng lộng khiến con người ta như lạc giữa chốn tiên cảnh bồng lai.

Chùa Hang có cấu trúc khá đơn giản, nhưng lại khác biệt ở chỗ ngôi chùa sát ngay mép nước biển trong vắt, bên những mỏm đá cheo leo. Anh Trương Hữu Quang - Trưởng ban văn hóa xã An Vĩnh, cho biết: “Khi nào đến dịp lễ, hội mới có một vài khách, còn bình thường như thế này hiếm lắm”.

Chùa Đục – cũng là một thắng cảnh nằm gần sát mép nước biển, nhưng lại trung tâm, và được vây quanh bởi nhà hàng, quán nhậu, cà phê. Mặt trời vẫn còn cách bờ biển chừng con sào, nhưng quán nhậu, cà phê đã rôm rả từ lâu lắm rồi.

Bước vào nhà hàng Mỹ Linh - một trong những điểm dừng chân của du khách ghiền hải sản, tôi giật mình khi thấy hầu như dân nhậu đều “đạp” dưới chân cơ man nào là bia Heineken.

Khi đã yên vị, anh bạn dân bản địa nháy mắt: “Đừng lạ, bò gù là món thức uống thân quen của cư dân đảo tỏi đấy”. Sau này tôi mới biết, “bò gù” là biệt danh mà dân Lý Sơn đặt cho bia Heineken.

Ôi! Cái thứ bia xanh ngắt, lành lạnh mà ở Đà Nẵng, thỉnh thoảng “hội độc thân” chúng tôi mới có một lần “vung tay quá trán”, vậy mà trên hòn đảo nhỏ này, nó là “thức uống thân quen”.

Khâm phục! “Bò gù” bắt đầu thấm mềm môi cũng là lúc anh bạn bản địa nhấp nháy đầy vẻ ý nhị: “Chơi không, đi hát karaoke, rồi đưa về phòng nghỉ?”.

Chẳng cần phải nhờ anh này bật mí, một ngày đêm lùng sục trên đảo, rồi khi vào quán, nhìn mấy em “xanh xanh đỏ đỏ, õng à õng ẹo”, tôi ngầm hiểu: Không có gì là không thể...

Sáng tinh mơ, tàu cao tốc lại bạt sóng trắng xoá, đưa tôi về đất liền. Trên cầu cảng, dòng người vẫn chen chúc nhau, bán mua, đưa đón tấp nập.

Từng con thuyền chở vật liệu xây dựng liên tục cập bến, phía trong kia, nhiều công trình nhà hàng, nhà nghỉ, quán karaoke đang xây dựng dở dang. Chợt nghĩ, nhà nhà đua nhau làm du lịch ở Lý Sơn, còn nhiều việc cần phải bàn lắm.

Nam Cường
Theo vietbao.vn
Minh mẫn nhờ hành, tỏi
(Tòa Soạn) – Những nghiên cứu gần đây cho thấy, thường xuyên ăn nhiều hành, tỏi sẽ đem đến lợi ích như giảm mỡ, đường trong máu, góp phần hạ huyết áp. Hơn thế, nó còn có tác dụng giúp đại não giữ được sự linh hoạt và phản xạ nhanh.
Tỏi

Y học hiện đại từ lâu đã công nhận tỏi có tác dụng chống lại tiến trình phát triển khối u và ung thư của nhiều loại ung thư khác nhau như: ung thư dạ dày, phổi, vú và màng trong tử cung, ung thư kết tràng, thanh quản, v.v. Ngoài ra, tỏi còn có tác dụng phòng chống các bệnh tim mạch.

Trong tỏi còn có một thành phần gọi là “chất tiền luyệt tuyến A”. Nếu thường xuyên ăn tỏi, chất tiền liệt tuyến A sẽ làm tăng trương lực huyết quản, đẩy mạnh tuần hoàn máu, từ đó có thể phòng trị bệnh váng đầu do cao huyết áp gây nên.

Hành củ

Theo các nhà khoa học, gluco cung cấp năng lượng để đại não hoạt động. Gluco muốn chuyển hoá thành năng lượng không thể thiếu vai trò của vitamin B1. Nhưng nếu vitamin B1 tiếp xúc với hành củ sẽ sinh ra một chất mới mạnh hơn B1. Điều này có nghĩa hoặc động của trí não sẽ nhanh nhẹn hơn bình thường.

Tuy nhiên, không nên quá lạm dụng hành tỏi. Ví như, ăn hành củ một lượng vừa phải mỗi ngày có thể phòng trị được bệnh viêm đường ruột và phòng u bướu.

Nhưng ăn hành củ sống quá nhiều sẽ làm cho ruột, dạ dày bị kích thích mạnh thường xuyên, gây ra các chứng viêm đồng thời còn gây ra tác dụng phụ đối với các bệnh về tim, mạch, thận viêm v.v… Lâu dần sẽ dẫn tới chứng thiếu vitamin B2 (biểu hiện là mép chốc, lưỡi viêm), nghiêm trọng hơn có thể cản trở các hoạt động của gan.

Chú ý khi ăn hành củ:

- Không được ăn lúc đói, không uống trà quá nóng sau khi đã dùng hành sống.


- Nên ăn cách nhật và mỗi lần chỉ nên dùng 2-3 nhánh.

- Người mắc bệnh gan, dạ dày, bàng quang đang trong thời gian điều trị nên tránh sử dụng.

- Những người bị bệnh tim và hay bị táo bón cũng nên hạn chế và đặc biệt không được dùng chung với mật ong.
Phạm Thanh
Theo vietbao.vn