Nhọc nhằn nghề trồng tỏi
Ảnh: Nguyễn Văn Thanh
Thủy triều hạ xuống, cát được phủ bởi lớp rêu biển xen lẫn đá và nước. Cuốc, xẻng, đôi gánh, rổ tre, rổ nhựa và hàng chục chiếc bao bày la liệt. Hàng trăm nông dân “vương quốc tỏi” đang vào vụ trên “cánh đồng biển”.Chuyển cát từ biển lên đảo để trồng tỏi Cát nặng đôi vai
Đôi tay thô trần, ông Phạm Văn Trợ (An Vĩnh, Lý Sơn, Quảng Ngãi) cuốc mạnh xuống gò rồi lấy xẻng xúc những hạt cát xen lẫn sạn, rêu biển đưa vào rổ tre cho vợ. Bà Trạng - vợ ông - lắc mạnh rổ tre làm cát theo nước rơi xuống thau, sạn và những thứ khác còn đọng lại trong rổ, bà bỏ đi...
Ông Trợ nói: “Phải sàng lọc thật kỹ, nếu để những hạt sạn xen lẫn trong cát, khi đưa lên đồng, củ tỏi cắm xuống sẽ bị hư. Tỏi phát triển nhờ có lượng cát trắng phủ trên bề mặt đất, giữ độ ẩm. Tỏi là cây nông nghiệp chính của huyện đảo. Tất cả nông dân ở đây đều khai thác cát ngoài biển để trồng tỏi”.
Dọc hơn 3 km bờ biển, những chiếc bè chở cát của nông dân xã An Hải thấp thoáng trước mắt. Nông dân đang lao động trên “hòn đảo trắng” của mình. Công việc tưởng chừng đơn giản: cho cát vào bao, đưa lên bè, đẩy vào bờ nhưng khi vào việc mới thấy vất vả: Khi thủy triều lên, đẩy bè ra cồn cát neo đậu, bơi trở vào. Thủy triều xuống, nước cạn, lội bộ ra cho cát vào bao, đưa lên bè. Đợi thủy triều lên, bơi ra đẩy bè vào bờ.
“Muốn cây tỏi xanh tốt phải có cát. Mỗi khi biển động, phải vật lộn với từng con sóng xô đập vài ba giờ mới đưa được bè cát vào bờ, nhiều khi bè chao đảo làm người ngã lăn trầy xước cả mình” - anh Phạm Ngọc Danh tâm sự.
Trẻ thơ cũng phải lam lũ
Công việc nặng nhọc này tưởng chừng chỉ dành cho những người lớn. Nhưng trên “cánh đồng biển” này có không ít đứa trẻ oằn mình dưới cái nắng biển để tìm cát. Chúng cúi gập người xuống mặt biển múc, giữ cát không cho trôi theo dòng nước sau đó xúc và sàng thật kỹ, đưa lên đổ thành từng ụ. Em Nguyễn Thị Tài (An Vĩnh, Lý Sơn) nói: “Em vừa tan học, về nhà ăn vội bát cơm rồi chạy liền ra đây lấy cát cùng chị, thủy triều chỉ hạ một lúc là lên lại, không thể chậm trễ được. Ba mẹ em bận trên đồng nên công việc này là của hai chị em”.
Từng ụ cát nhô lên giữa “cánh đồng biển”. Đoàn người chuẩn bị “tập kết” cát vào bờ, di chuyển lên đồng. Những khuôn mặt tuổi thơ đã đen sẫm do phải luôn đối mặt với nắng và nước biển, cẩn thận cho từng hạt cát vào bao, khập khiễng vác vào bờ trên quãng đường dài hơn 150 m.
Dường như con đường đến trường của những đứa trẻ nơi đây chông chênh bao nỗi nhọc nhằn. Công việc này không phải lúc nào cũng có thể làm, mỗi tháng thủy triều chỉ hạ năm - bảy ngày vào đầu và giữa tháng nên những đứa trẻ phải tranh thủ ngoài giờ học ra phụ giúp ba mẹ để lấy đủ lượng cát, kịp cho vào mùa vụ. Và vì thế, hành trình đến với con chữ của các em vùng xa đã khó khăn lại càng gian nan hơn khi vừa rời lớp phải vội vàng đến “cánh đồng” cùng ba mẹ đào bới, sàng lọc, mang vác nặng... Sau đó chạy lên trường cho kịp giờ học...
Mặt trời lặn dần trên mặt biển. Không gian trở nên lạnh lẽo hơn khi hoàng hôn buông xuống. Thấp thoáng đoàn người lầm lũi rời khỏi “cánh đồng biển” nhường cho tiếng sóng vỗ vào bờ, những chiếc nón trắng khuất dần trong bóng tối.
Nếu thiếu cát trắng, cây tỏi không phát triển được
Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Võ Xuân Huyện cho biết: “Nhờ cây tỏi, nhiều gia đình quê đảo đã vươn lên thoát nghèo và nuôi con thành tài. Những đứa con quê đảo hiện ngồi trên giảng đường đại học là nhờ cây tỏi. Chính quyền địa phương đã nhiều lần tổ chức nghiên cứu, thử nghiệm trồng cây tỏi không có cát trắng cho nông dân bớt khổ nhưng tỏi không phát triển được và năng suất rất thấp...”.
Bài và ảnh: Lê Hùng
Theo Báo người lao động.