Thứ Hai, 6 tháng 4, 2009
Cách trồng Cây tỏi ta
Tỏi ta là một trong ba loại sản phẩm (cùng với ớt và hạt tiêu) giữ vai trò chính trong mặt hàng gia vị xuất khẩu của Việt Nam. Trong những năm vừa qua đã xuất khẩu tới 2.000 tấn/Năm. Tuy nhiên chất lượng sản phẩm chưa cao. Nhưng có thể khắc phục được khâu giống và biện pháp canh tác.
Tiếng Anh: Garlic
Tên khoa học:Allium Sativum L.
1/ Đặc điểm sinh học của cây tỏi ta:
Xuất xứ của hành tỏi nói chung ở các nước Trung Á. Do vậy tỏi ưa nhiệt độ mát và là cây chịu lạnh. Nhiệt độ cần thiết để cây sinh trưởng và phát triển là 18-20oC để tạo củ cần nhiệt độ 20-22o C. PH thích hợp từ 6-6,5. Đất thích hợp lá thịt nhẹ tơi xốp giàu mùn.
2/ Giống tỏi:
- Tỏi địa phương: tỏi gié, tỏi trâu trồng nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Các tỉnh Duyên hải miền Trung thường trồng các giống tỏi nhập nội củ to còn gọi là tỏi tây (Nhóm Allium Porrum L.).
- Tỏi trắng: Lá xanh đậm to bản, củ to, đường kính củ 4-4,5 cm khi thu hoạch vỏ lụa củ màu trắng. Khả năng bảo quản kém hay bị óp.
- Tỏi tía: lá dày, cứng, màu lá xanh nhạt, củ chắc và cay hơn tỏi trắng. Dọc thân gần củ có màu tía. Khi thu hoạch có màu trắng ngà. Mỗi củ có 10-11 nhánh (tép), đường kính củ 3,5-4 cm. Giống này có hương vị đặc biệt nên được trồng nhiều hơn giống tỏi trắng.
Năng suất của 2 giống trên đạt trung bình 5-8 tấn củ khô/Ha.
3/ Kỹ thuật trồng:
a/ Thời vụ:
- Ở Đồng bằng Sông Hồng: Trồng 25/9-5/10. Thu hoạch 30/1- 5/2.
- Ở Khu vực miền Trung: Trồng tháng 9-10. Thu hoạch tháng 1-2.
b/ Làm đất, bón phân, trồng củ:
- Đất trồng tỏi phải thoát thuỷ tốt. Luống rộng 1,2-1,5 cm, rãnh 0,3 cm. Sau khi lên luống rạch hàng bón phân, mỗi luống trồng 6 hàng, khoảng cách 20 cm.
- Bón phân: Cho 1 Ha: 20 tấn phân chuồng + 300 Kg đạm Urê + 500 Kg Super lân + 240 Kg Sulfat Kali. Đất chua cần bón thêm vôi bột. Khối lượng vôi tuỳ độ chua của đất.
Toàn bộ vôi bột, phân chuồng, lân và 1/3 số đạm, kali dùng để bón lót. Rải đều theo hàng và trộn kỹ. Số đạm và kali còn lại dùng để bón thúc.
- Trồng củ: Tỏi giống chọn những nhánh từ củ chắc.Trọng lượng củ 12-15 gam, có 10-12 nhánh. Mỗi Ha cần 1 tấn tỏi giống (370 Kg/sào). Khoảng cách trồng mỗi nhánh 8-10 cm. Ấn sâu 2/3 nhánh tỏi, phủ đất nhỏ lên trên. Sau khi trồng dùng rơm rạ băm nhỏ phủ một lớp dày 5 cm để giữ ẩm và hạn chế cỏ mọc.
c/ Chăm sóc: Tưới nước đều đến khi cây mọc và có 3-4 lá thật thì tưới nước vào rãnh để nước thấm lên dần. Mỗi lần tưới kết hợp bón thúc.
d/ Phòng trừ sâu bệnh:
- Bệnh Sương mai (Peronospora destructor Unger.) Xuất hiện vào cuối tháng 11 dương lịch khi nhiệt độ thấp và ẩm độ không khí cao. Phòng bệnh: Dung dịch Boóc-đô 1% (1 kg phèn xanh + 1 kg vôi cục + 100 lít nước) hoặc Zineb 80%. Pha 2-4 phần ngàn phun với lượng 18-20 lít/sào Bắc bộ. Ngòai ra ngày có sương nên rửa sương.
- Bệnh Than đen (Urocystis Cepula Prost): Bệnh xuất hiện trên củ khô củ sắp thu hoạch và cả trong thời kỳ bảo quản. Cách ly những củ bị bệnh dùng Zineb 80% để phun trừ.
e/ Thu hoạch để giống: Củ thương phẩm thu hoạch sau khi trồng 125-130 ngày lúc lá đã già, gần khô. Nhổ củ giũ sạch đất bó thành chùm treo trên giàn ở chỗ thoáng để bảo quản. Nếu nhiều để vào kho trên giàn nhiều tầng.
Củ giống phải có thời gian sinh trưởng trên 140 ngày. Chọn những củ đường kính 3,5-4 cm, có 10-12 nhánh không bị bệnh để riêng, bó thành bó nhỏ treo nơi thoáng mát hoặc trên giàn bếp.
Theo http://www.ninhthuan.gov.vn/