Sau nhiều năm lận đận trên thị trường, giờ đây tỏi Lý Sơn được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ khoa học và Công nghệ) công nhận thương hiệu. Như vậy tỏi Lý Sơn đã chính thức có thương hiệu. Ðây là điều kiện thuận lợi để cho cây tỏi Lý Sơn phát triển bền vững và từng bước vươn ra thị trường trong và ngoài nước.
Huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) có ba xã là An Vĩnh, An Hải và An Bình, khoảng 21 nghìn dân, với hơn 60% sống bằng nghề biển, 10% làm dịch vụ, buôn bán và 30% làm nông (chủ yếu trồng hành, tỏi). Ðảo Lý Sơn được thiên nhiên ưu đãi không những về tiềm năng kinh tế biển mà còn nổi tiếng về sản phẩm tỏi. Hằng năm, nông dân trên đảo sản xuất khoảng 350 ha tỏi, sản lượng hơn 1.700 tấn. Nhà có điều kiện vốn, lao động thì trồng khoảng bảy sào, nhà trồng ít nhất cũng được hai sào tỏi. Tới tháng 3 hằng năm thì dân trên đảo bắt đầu ra đồng thu hoạch tỏi. Tôi gặp một bác nông dân ở xã An Vĩnh:
- Trồng tỏi có khó lắm không?
- Không dễ. Cái đặc trưng của loại cây này không chỉ tính bằng thời vụ, mà còn phải am hiểu về kinh nghiệm mới cho năng suất cao và bảo đảm giữ được hương liệu. Cái khó ở đây là sau mỗi vụ thu hoạch, bà con phải thay đất, cát. Mà đất, cát lấy từ các nơi cách xa vài ba cây số. Ðảo hiện giờ rất khan hiếm cát. Có người không mua được cát đành phải bỏ lỡ vụ, trong khi tỏi đang được giá, tiếc lắm.
- Vụ tỏi này bác thu được bao nhiêu tiền?
- Nếu trừ chi phí sản xuất, tôi cũng thu được hơn 50 triệu đồng. Gia đình tôi có nhà xây, xe máy và đời sống ổn định cũng nhờ trồng tỏi. Dù giá thị trường luôn biến động, nhưng người dân trên đảo vẫn giữ vững cây tỏi truyền thống. Ðặc biệt, tỏi Lý Sơn hiện giờ đã có thương hiệu càng khuyến khích bà con phát triển mạnh cây tỏi...
Ði trên cánh đồng tỏi giữa những ngày tháng 3, trong cái nắng gắt và gió biển thúc vào da mặt rát bỏng, chúng tôi gặp hàng trăm nông dân đang thu hoạch tỏi. Bà con trên đảo rất phấn khởi trong niềm vui vụ tỏi năm nay được mùa lớn, giá cả tăng cao hơn năm trước. Về thăm đất đảo đúng vào mùa thu hoạch tỏi, chúng tôi thấy nhà nào cũng có cả đống tỏi lớn. Tỏi được phơi ngay ven đường, trên sân đình và trên cả nóc nhà. Anh Trương Văn Quang, ở thôn Ðông, xã An Hải tâm sự: Nhà làm ba sào tỏi, nhưng trong ba năm liên tiếp gần đây do thời tiết khắc nghiệt đã mất trắng, lỗ nặng. Còn năm nay do thời tiết thuận lợi nên gia đình thu được 1,2 tấn củ tỏi tươi, giá hiện thời là 16.000 đồng/kg, nhưng anh quyết định không bán, chờ sau ngày công bố thương hiệu sẽ bán tỏi mong được giá cao hơn. Còn vợ anh Quang tươi cười nói: Năm nay, đảo trúng mùa tỏi. Bình quân nhà nào cũng có hơn một tấn củ tỏi tươi, có người đạt đến năm tấn tỏi, phấn khởi lắm. Nhưng niềm vui lớn của bà con ở đây hiện giờ là tỏi Lý Sơn đã có thương hiệu, tạo thuận lợi cho nông dân chúng tôi yên tâm sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm. Giờ bà con chỉ còn cố gắng trồng tỏi cho đạt năng suất, chất lượng là sẽ có cuộc sống khấm khá hơn...
Chất lượng tỏi Lý Sơn
Chất lượng tỏi Lý Sơn chính là hương liệu đặc trưng vừa thơm nồng, vừa cay đậm. Từ lâu, tỏi Lý Sơn đã chiếm lĩnh thị trường trong nam, ngoài bắc và từng xuất khẩu sang Nhật Bản, Trung Quốc. Một cụ ông, ở xã An Vĩnh nói: Tỏi ở đây không chỉ dùng làm gia vị mà còn sử dụng làm thuốc nam rất quý hiếm. Ngày nay y học cũng khẳng định, tỏi còn dùng để ngâm rượu, pha chế chữa bệnh. Nhiều người hiện nay đã dùng tỏi Lý Sơn để ngâm rượu trị một số bệnh có hiệu quả...
Ðể giữ được chất lượng tỏi Lý Sơn, người dân đã sản xuất theo quy trình khép kín, từ khâu kỹ thuật làm đất (mua cát, đất đưa ra đồng làm luống) đến khâu chọn giống và chăm bón tỏi khá công phu. Rồi cây tỏi lớn lên trong điều kiện thời tiết đặc biệt trên đảo đã tạo nên được củ tỏi múi đều và thơm ngon như thế. Người dân đảo Lý Sơn đã thuộc cả "tính nết" của cây tỏi nên biết sử dụng loại cát nào, phân gì và bón thúc vào lúc nào để cho cây tỏi sinh trưởng tốt và tạo được hương vị cay nồng. Nói đến tỏi Lý Sơn, người tiêu dùng đã nghĩ ngay đến hương liệu cay nồng - một mùi vị đặc trưng của nó mà không nơi nào có được. Dù nhiều năm qua, các loại tỏi của Trung Quốc đưa về trồng các nơi để cạnh tranh, thậm chí "đánh lận" trên thị trường, nhưng tỏi Lý Sơn vẫn giữ được chất lượng, hương liệu riêng. Tuy có lúc các loại tỏi du nhập từ nước ngoài vào làm cho tỏi Lý Sơn rớt giá, nhưng bà con trên đảo vẫn liên tục phát triển cây tỏi với năng suất, chất lượng ngày càng cao, được nhiều người tiêu dùng trong nước biết đến.
Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Võ Xuân Huyện khẳng định: Dù đang có nhiều loại tỏi trên thị trường, song tỏi Lý Sơn vẫn giữ được thương hiệu. Cây tỏi ở đây đã trải qua bao thăng trầm nhưng bà con trên đảo hiện vẫn sản xuất với chất lượng tỏi ngày càng cao. Sau khi công bố thương hiệu tỏi Lý Sơn, huyện sẽ hỗ trợ cho bà con nhiều mặt (kể cả vốn) để đầu tư nâng cao năng suất và chất lượng củ tỏi. Huyện tạo điều kiện cho người trồng tỏi tiếp cận, quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng trong cả nước, để tỏi Lý Sơn sẽ còn vươn xa ra thị trường nước ngoài...
Theo Nhân Dân