Thứ Tư, 15 tháng 4, 2009


Tỏi với khả năng kỳ diệu phòng chống ung thư

Tỏi là loại gia vị quen thuộc, đồng thời cũng là thảo dược cổ truyền của nhiều dân tộc trên thế giới. Các sách y học phương Ðông ghi về tỏi như sau: Vị cay, tính ôn, hơi có độc, vào 2 kinh can và vị, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát trùng, trừ phong, thông khiếu, tiêu nhọt, hạch ở cổ, tiêu đờm...

Thành phần hoá học và công dụng
Trong củ tỏi có chứa 0,1-0,36% tinh dầu, trong đó hơn 90% chứa các hợp chất lưu huỳnh (S). Thành phần chủ yếu của tỏi là chất alixin có mùi đặc trưng tỏi. Nhưng trong tỏi tươi không có alixin ngay, mà có chất aliin (một loại acid amin) - chất này chịu tác động của enzyme alinaza (cũng có trong củ tỏi) và khi giã dập mới cho alixin. Ngoài ra củ tỏi còn chứa nhiều vitamin và chất khoáng..., đặc biệt là selen.

Những năm gần đây, tỏi lại được các nhà khoa học ở nhiều nước nghiên cứu, phát hiện thêm những đặc tính kỳ diệu khác như: khả năng tăng cường hệ thống miễn dịch, nâng cao sức khỏe, làm giảm huyết áp, có tác dụng chống tắc nghẽn mạch máu, làm chậm quá trình lão hóa tế bào, chống sự già nua, làm giảm sung huyết và tiêu viêm, phục hồi nhanh thể lực...

Ðặc biệt nhiều công trình nghiên cứu cho biết củ tỏi có khả năng phòng chống được ung thư - một căn bệnh nan y của thời đại. Trong bài viết này xin chỉ đề cập về mặt này.

Vì sao tỏi chống được ung thư?
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng khả năng phòng chống ung thư của tỏi có thể bao gồm một hoặc nhiều tác dụng phối hợp với nhau, ngăn cản sự tạo u, ức chế trực tiếp sự phát triển tế bào, kháng lại yếu tố gây đột biến, chống lại quá trình oxy hóa, hủy diệt sự phát triển của các mạch máu mới nuôi sống khối ung thư.

Tiến sĩ Benjamin Lau, giáo sư sinh hóa và miễn dịch học ở Trung tâm y tế Loma Linda, California (Mỹ), trong cuốn "Tỏi và bạn, vị thuốc của thế giới hiện đại" khẳng định: Chỉ cần sử dụng một lượng tỏi nhỏ trong bữa ăn hàng ngày cũng có tác dụng tốt đến hệ miễn dịch. Qua nghiên cứu, B. Lau cho rằng tỏi và các loại rau quả khác nếu được dùng đều đặn thì có thể ngăn ngừa được bệnh ung thư, tim mạch hay nhiều bệnh nguy hiểm khác. Tỏi là một dược thảo có tác dụng toàn diện đối với sức khỏe con người. Tỏi hoạt động như một loại thuốc kháng sinh, thuốc chống virus, một chất bồi bổ hệ thống miễn dịch, chất chống ung thư...

Ở Trung Quốc, qua công trình nghiên cứu bệnh ung thư thanh quản ở Thượng Hải, các nhà nghiên cứu cho biết ung thư hầu như không xuất hiện ở những người dùng nhiều tỏi và cam quýt trong bữa ăn hàng ngày.

Còn với ung thư dạ dày? Theo kết quả điều tra về mối tương quan giữa những người dùng tỏi ở tỉnh Sơn Ðông, các nhà nghiên cứu Viện y tế cộng đồng Trung Quốc cho biết những cư dân có tập quán ăn tỏi thường xuyên thì tỷ lệ ung thư dạ dày thấp (0,03% so với 0,4% ở những người rất ít ăn tỏi). Một bác sĩ thuộc Viện y học Sơn Ðông cũng xác nhận tỷ lệ ung thư dạ dày ở những người thường xuyên ăn tỏi thấp hơn 60% so với những người khác cùng khu vực nhưng không dùng tỏi. Những nghiên cứu ở Ý và Hà Lan cho thấy tỷ lệ ung thư dạ dày giảm đi ở những người thường xuyên dùng tỏi trong bữa ăn. Tiến sĩ Michael Wargovich ở Ðại học South California phát hiện ra tỏi còn hoạt động như một chất chống ung thư cả trong khâu phòng bệnh và chữa bệnh. Những nghiên cứu của ông cho thấy mối liên quan giữa việc dùng tỏi với lượng chất nitơ giảm ở người và lượng tử vong vì ung thư dạ dày cũng ít đi. M. Wargovich giải thích: Trong tỏi có một hợp chất gọi là diallyl disulfide có thể làm tiêu các khối u đi một nửa. Ngoài ra hợp chất S. Allyleystein cũng có thể ngăn chặn các chất gây ung thư xâm nhập tế bào tuyến vú.

Với ung thư phổi thì có một nghiên cứu của các chuyên gia độc chất học trường Ðại học Tổng hợp Queen ở Canada. Họ đưa chất dễ gây ung thư mô phổi động vật vào 2 lô chuột: lô A được tiêm chất chiết xuất từ tỏi, còn lô B dùng làm đối chứng không được tiêm. Kết quả lô A không hề hấn gì, còn lô chuột B thì ung thư phát triển.

Những lập luận về cơ chế
Các nhà nghiên cứu cho rằng mọi khối ung thư đều trải qua ba giai đoạn phát triển, và ở giai đoạn nào chúng cũng bị tỏi chống phá. Trong giai đoạn đầu tiên, hoạt động của oxy trong cơ thể qua quá trình oxy hóa chuyển thức ăn thành năng lượng đã sản sinh ra các gốc tự do (loại chất có hại) gây thương tổn các tế bào khiến nó phát triển bất thường. Việc ăn tỏi hàng ngày (và một số rau quả giàu chất chống oxy hóa) có thể vô hiệu hóa các gốc tự do. Các chất chống oxy hóa trong tỏi có khả năng tấn công khối u trước khi nó có thể nhen nhóm. Việc bổ sung các vitamin C, E, beta-caroten cũng có tác dụng nhưng không mạnh bằng tỏi và chè xanh (có tác dụng mạnh gấp 10 lần). Ở giai đoạn thứ hai là giai đoạn phát bệnh, những tế bào ung thư sẽ phát triển nhanh nếu các hệ thống miễn dịch ban đầu bị phá vỡ. Lúc này tỏi sẽ có tác dụng ngăn không cho các tế bào ung thư phát triển, tiêu diệt sự phát triển của những mạch máu mới nuôi sống khối u. Một chất khoáng rất cần cho cơ thể lúc này là selen - có rất nhiều trong tỏi. Selen là một chất chống oxy hóa rất mạnh nên có thể giúp cơ thể chống lại ung thư.

Các nhà khoa học Pháp thuộc Trung tâm nghiên cứu Nông học quốc gia (INRA) còn đưa ra lập luận: Trong thành phần của tỏi chứa một số hợp chất có khả năng ức chế hoạt động của các chất gây ung thư. Tuy nhiên chúng không tác dụng trực tiếp mà kích thích các enzyme của cơ thể có khả năng ngăn chặn quá trình tạo thành các chất gây ung thư.

Nên dùng tỏi như thế nào?
Tỏi có khả năng giúp cơ thể phòng ngừa được ung thư, đó là điều nhiều nhà khoa học đã thừa nhận. Còn vấn đề tỏi có chữa được ung thư khi đã phát triển thành khối u hay không? Ðể trả lời câu hỏi này, cần tiếp tục có những công trình nghiên cứu dùng tỏi vào điều trị ung thư thực sự trên bệnh nhân. Trước mắt, mọi người nên sử dụng tỏi trong bữa ăn hàng ngày với mức độ vừa phải nhằm phòng bệnh là chính, tăng cường hệ thống miễn dịch tự nhiên có lợi cho sức khỏe. Hoặc cũng có thể pha rượu tỏi theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới đã có lần phổ biến: dùng 40g tỏi khô (đã bóc vỏ) thái nhỏ, ngâm với 100ml rượu trắng 45 độ, để sau 10 ngày thì dùng, mỗi ngày uống 40 giọt (tương đương 1 thìa cà phê). Ngâm liên tiếp từng mẻ nhỏ như vậy để sử dụng thường xuyên.
Bs. Vũ Hướng Văn
Theo
http://www.amthuc365.vn/