Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2009

Lý Sơn - "đảo tỏi"
Sau nhiều năm lận đận trên thị trường, giờ đây tỏi Lý Sơn được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ khoa học và Công nghệ) công nhận thương hiệu. Như vậy tỏi Lý Sơn đã chính thức có thương hiệu. Ðây là điều kiện thuận lợi để cho cây tỏi Lý Sơn phát triển bền vững và từng bước vươn ra thị trường trong và ngoài nước.

Huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) có ba xã là An Vĩnh, An Hải và An Bình, khoảng 21 nghìn dân, với hơn 60% sống bằng nghề biển, 10% làm dịch vụ, buôn bán và 30% làm nông (chủ yếu trồng hành, tỏi). Ðảo Lý Sơn được thiên nhiên ưu đãi không những về tiềm năng kinh tế biển mà còn nổi tiếng về sản phẩm tỏi. Hằng năm, nông dân trên đảo sản xuất khoảng 350 ha tỏi, sản lượng hơn 1.700 tấn. Nhà có điều kiện vốn, lao động thì trồng khoảng bảy sào, nhà trồng ít nhất cũng được hai sào tỏi. Tới tháng 3 hằng năm thì dân trên đảo bắt đầu ra đồng thu hoạch tỏi. Tôi gặp một bác nông dân ở xã An Vĩnh:

- Trồng tỏi có khó lắm không?
- Không dễ. Cái đặc trưng của loại cây này không chỉ tính bằng thời vụ, mà còn phải am hiểu về kinh nghiệm mới cho năng suất cao và bảo đảm giữ được hương liệu. Cái khó ở đây là sau mỗi vụ thu hoạch, bà con phải thay đất, cát. Mà đất, cát lấy từ các nơi cách xa vài ba cây số. Ðảo hiện giờ rất khan hiếm cát. Có người không mua được cát đành phải bỏ lỡ vụ, trong khi tỏi đang được giá, tiếc lắm.

- Vụ tỏi này bác thu được bao nhiêu tiền?
- Nếu trừ chi phí sản xuất, tôi cũng thu được hơn 50 triệu đồng. Gia đình tôi có nhà xây, xe máy và đời sống ổn định cũng nhờ trồng tỏi. Dù giá thị trường luôn biến động, nhưng người dân trên đảo vẫn giữ vững cây tỏi truyền thống. Ðặc biệt, tỏi Lý Sơn hiện giờ đã có thương hiệu càng khuyến khích bà con phát triển mạnh cây tỏi...

Ði trên cánh đồng tỏi giữa những ngày tháng 3, trong cái nắng gắt và gió biển thúc vào da mặt rát bỏng, chúng tôi gặp hàng trăm nông dân đang thu hoạch tỏi. Bà con trên đảo rất phấn khởi trong niềm vui vụ tỏi năm nay được mùa lớn, giá cả tăng cao hơn năm trước. Về thăm đất đảo đúng vào mùa thu hoạch tỏi, chúng tôi thấy nhà nào cũng có cả đống tỏi lớn. Tỏi được phơi ngay ven đường, trên sân đình và trên cả nóc nhà. Anh Trương Văn Quang, ở thôn Ðông, xã An Hải tâm sự: Nhà làm ba sào tỏi, nhưng trong ba năm liên tiếp gần đây do thời tiết khắc nghiệt đã mất trắng, lỗ nặng. Còn năm nay do thời tiết thuận lợi nên gia đình thu được 1,2 tấn củ tỏi tươi, giá hiện thời là 16.000 đồng/kg, nhưng anh quyết định không bán, chờ sau ngày công bố thương hiệu sẽ bán tỏi mong được giá cao hơn. Còn vợ anh Quang tươi cười nói: Năm nay, đảo trúng mùa tỏi. Bình quân nhà nào cũng có hơn một tấn củ tỏi tươi, có người đạt đến năm tấn tỏi, phấn khởi lắm. Nhưng niềm vui lớn của bà con ở đây hiện giờ là tỏi Lý Sơn đã có thương hiệu, tạo thuận lợi cho nông dân chúng tôi yên tâm sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm. Giờ bà con chỉ còn cố gắng trồng tỏi cho đạt năng suất, chất lượng là sẽ có cuộc sống khấm khá hơn...

Chất lượng tỏi Lý Sơn
Chất lượng tỏi Lý Sơn chính là hương liệu đặc trưng vừa thơm nồng, vừa cay đậm. Từ lâu, tỏi Lý Sơn đã chiếm lĩnh thị trường trong nam, ngoài bắc và từng xuất khẩu sang Nhật Bản, Trung Quốc. Một cụ ông, ở xã An Vĩnh nói: Tỏi ở đây không chỉ dùng làm gia vị mà còn sử dụng làm thuốc nam rất quý hiếm. Ngày nay y học cũng khẳng định, tỏi còn dùng để ngâm rượu, pha chế chữa bệnh. Nhiều người hiện nay đã dùng tỏi Lý Sơn để ngâm rượu trị một số bệnh có hiệu quả...
Ðể giữ được chất lượng tỏi Lý Sơn, người dân đã sản xuất theo quy trình khép kín, từ khâu kỹ thuật làm đất (mua cát, đất đưa ra đồng làm luống) đến khâu chọn giống và chăm bón tỏi khá công phu. Rồi cây tỏi lớn lên trong điều kiện thời tiết đặc biệt trên đảo đã tạo nên được củ tỏi múi đều và thơm ngon như thế. Người dân đảo Lý Sơn đã thuộc cả "tính nết" của cây tỏi nên biết sử dụng loại cát nào, phân gì và bón thúc vào lúc nào để cho cây tỏi sinh trưởng tốt và tạo được hương vị cay nồng. Nói đến tỏi Lý Sơn, người tiêu dùng đã nghĩ ngay đến hương liệu cay nồng - một mùi vị đặc trưng của nó mà không nơi nào có được. Dù nhiều năm qua, các loại tỏi của Trung Quốc đưa về trồng các nơi để cạnh tranh, thậm chí "đánh lận" trên thị trường, nhưng tỏi Lý Sơn vẫn giữ được chất lượng, hương liệu riêng. Tuy có lúc các loại tỏi du nhập từ nước ngoài vào làm cho tỏi Lý Sơn rớt giá, nhưng bà con trên đảo vẫn liên tục phát triển cây tỏi với năng suất, chất lượng ngày càng cao, được nhiều người tiêu dùng trong nước biết đến.

Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Võ Xuân Huyện khẳng định: Dù đang có nhiều loại tỏi trên thị trường, song tỏi Lý Sơn vẫn giữ được thương hiệu. Cây tỏi ở đây đã trải qua bao thăng trầm nhưng bà con trên đảo hiện vẫn sản xuất với chất lượng tỏi ngày càng cao. Sau khi công bố thương hiệu tỏi Lý Sơn, huyện sẽ hỗ trợ cho bà con nhiều mặt (kể cả vốn) để đầu tư nâng cao năng suất và chất lượng củ tỏi. Huyện tạo điều kiện cho người trồng tỏi tiếp cận, quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng trong cả nước, để tỏi Lý Sơn sẽ còn vươn xa ra thị trường nước ngoài...
Theo Nhân Dân



Tỏi Lý Sơn
Người đầu tiên quảng bá cho tỏi Lý Sơn một cách chính thức bằng một hình thức sang trọng bậc nhất, là một người thuộc “dòng” văn nghệ: nhà văn nổi tiếng Nguyễn Thành Long.
Ngay sau ngày giải phóng, giữa bộn bề gian khó, Nguyễn Thành Long đã lặng lẽ xuống thuyền đò trực chỉ đảo Lý Sơn. Đó là chuyến thuyền đò mà ông đã miêu tả hết sức sinh động ở đoạn mở đầu truyện ngắn Lý Sơn mùa tỏi. Có thể nói, đó là tác phẩm văn học đầu tiên viết về tỏi Lý Sơn, và đó là một truyện ngắn rất hay. Nhờ đọc Lý Sơn mùa tỏi mà tôi biết quê mình có... đảo Lý Sơn, có một đặc sản lúc bấy giờ ít người để ý là... tỏi.

Mãi sau khi truyện ngắn Lý Sơn mùa tỏi ra đời hai thập kỷ, tôi mới có dịp ra thăm đảo Lý Sơn, và tận mắt chứng kiến những thửa ruộng trồng tỏi của nông dân trên đảo. Đó là những tác phẩm nghệ thuật xếp đặt thực sự, nó hấp dẫn khách thăm ngay từ cái nhìn đầu tiên, trước khi khách được nếm vị cay thơm đặc sắc của những tép tỏi trồng trên đất đảo. Lý Sơn là một đảo núi lửa cũ, đất trên đảo là nham thạch núi lửa đã qua nghìn triệu năm. Nhưng nếu chỉ trồng trên đất này không thôi, thì tỏi Lý Sơn chưa thể có hương vị đặc trưng độc đáo như vậy. Người trồng tỏi ở đây thật kỳ công, họ mang về từ biển những bao cát để trải trên bề mặt lớp đất trồng tỏi. Đó không phải cát biển bình thường, mà là một loại cát đặc biệt: nó được tạo nên bởi những lớp vỏ hàu vỏ ốc đã mủn qua thời gian hàng trăm nghìn năm. Cát ấy, khi được trải trên đất trồng tỏi không chỉ làm cây tỏi tươi tốt, mà còn tạo cho củ tỏi một hương vị đặc biệt không một loại tỏi nào trên thế giới có được. Tỏi Lý Sơn thơm dịu, cay dịu, không gây sốc cho người ăn, và không để lại trong miệng mùi hôi của tỏi thường. Tép tỏi nhỏ, nhưng chắc, và nó không chỉ là một thứ gia vị hảo hạng, mà còn là một vị thuốc quý. Người Quảng Ngãi rất chuộng loại “tỏi một” của Lý Sơn - tức là củ tỏi chỉ có một tép, ngâm “tỏi một” vào rượu thành một vị thuốc chữa cao huyết áp và mỡ máu, hạ cholesterol trong máu, nâng cao sức đề kháng của cơ thể.

Tỏi Lý Sơn quý như thế, nhưng suốt bao năm qua, nó vẫn chỉ là loại “hàng hóa thường” lẫn lộn với nhiều loại gia vị khác. Chỉ người biết tính năng, đặc sắc và công dụng của tỏi này mới quý nó, nhưng không nhiều những người biết đến tỏi Lý Sơn như một đặc sản. Nay thì tỏi Lý Sơn đã chính thức được công nhận thương hiệu. Từ chỗ “thơm tho ai biết ngát lừng ai hay” tới chỗ được công nhận là một quãng đường dài, nhưng từ chỗ được công nhận bởi cơ quan chức năng nhà nước tới chỗ thực sự có một thương hiệu, một thương hiệu nổi tiếng trên thương trường, quãng đường còn dài hơn. Nếu nhà văn Nguyễn Thành Long đã có công đầu đưa tỏi Lý Sơn vào văn học, thì bây giờ lại cần một sự hợp đồng tổng lực để quảng bá, giới thiệu tỏi Lý Sơn ra thương trường trong nước và quốc tế.

Tôi đã từng gửi tỏi Lý Sơn biếu bạn bè ở Pháp, ở Mỹ, và nó đã được đón nhận nồng nhiệt như chính hương vị của nó. Lý Sơn trong lịch sử đã từng là căn cứ xuất phát của những “hải đội Hoàng Sa”, và bây giờ vẫn là một “chiến hạm nổi” án ngữ và bảo vệ cho vùng biển Quảng Ngãi, đặc biệt là Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Nhưng Lý Sơn cũng là một địa chỉ du lịch đầy tiềm năng với thiên nhiên đẹp tuyệt vời, và với một đặc sản bình dị nhưng khó quên: tỏi Lý Sơn.
Thanh Thảo
Theo Thanh nien

Thứ Tư, 15 tháng 4, 2009

Cách bảo quản củ Tỏi
Để có củ tỏi thơm ngon như mong muốn thì chúng ta cần phải có cách bảo quản tỏi hợp lí để chúng không mọc mầm lên cây. Khi mọc mầm, một lượng lớn chất dinh dưỡng có trang tỏi sẽ mất đi và lượng enzyme trong tỏi tăng lên khiến tỏi có mùi khó chịu. Để tránh tình trạng đó, bạn cần giữ tỏi ở những nơi khô ráo, thoáng khí.
Bạn hãy chọn những củ tỏi tươi, to, vỏ trắng, không bị tách nhánh, không bị sâu mọt, cắt bỏ hết phần rễ rồi bảo quản bằng cách cho vào túi lưới, treo nơi thoáng mát. Ngoài ra, bạn cũng có thể bóc vỏ tỏi, ngâm với dầu ăn, rượu, giấm hay xì dầu để ăn dần.
Khi nấu, cần bỏ lớp vỏ bên ngoài và phần mềm tỏi màu xanh nằm sâu trong tép tỏi (nếu có).

Tỏi với khả năng kỳ diệu phòng chống ung thư

Tỏi là loại gia vị quen thuộc, đồng thời cũng là thảo dược cổ truyền của nhiều dân tộc trên thế giới. Các sách y học phương Ðông ghi về tỏi như sau: Vị cay, tính ôn, hơi có độc, vào 2 kinh can và vị, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát trùng, trừ phong, thông khiếu, tiêu nhọt, hạch ở cổ, tiêu đờm...

Thành phần hoá học và công dụng
Trong củ tỏi có chứa 0,1-0,36% tinh dầu, trong đó hơn 90% chứa các hợp chất lưu huỳnh (S). Thành phần chủ yếu của tỏi là chất alixin có mùi đặc trưng tỏi. Nhưng trong tỏi tươi không có alixin ngay, mà có chất aliin (một loại acid amin) - chất này chịu tác động của enzyme alinaza (cũng có trong củ tỏi) và khi giã dập mới cho alixin. Ngoài ra củ tỏi còn chứa nhiều vitamin và chất khoáng..., đặc biệt là selen.

Những năm gần đây, tỏi lại được các nhà khoa học ở nhiều nước nghiên cứu, phát hiện thêm những đặc tính kỳ diệu khác như: khả năng tăng cường hệ thống miễn dịch, nâng cao sức khỏe, làm giảm huyết áp, có tác dụng chống tắc nghẽn mạch máu, làm chậm quá trình lão hóa tế bào, chống sự già nua, làm giảm sung huyết và tiêu viêm, phục hồi nhanh thể lực...

Ðặc biệt nhiều công trình nghiên cứu cho biết củ tỏi có khả năng phòng chống được ung thư - một căn bệnh nan y của thời đại. Trong bài viết này xin chỉ đề cập về mặt này.

Vì sao tỏi chống được ung thư?
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng khả năng phòng chống ung thư của tỏi có thể bao gồm một hoặc nhiều tác dụng phối hợp với nhau, ngăn cản sự tạo u, ức chế trực tiếp sự phát triển tế bào, kháng lại yếu tố gây đột biến, chống lại quá trình oxy hóa, hủy diệt sự phát triển của các mạch máu mới nuôi sống khối ung thư.

Tiến sĩ Benjamin Lau, giáo sư sinh hóa và miễn dịch học ở Trung tâm y tế Loma Linda, California (Mỹ), trong cuốn "Tỏi và bạn, vị thuốc của thế giới hiện đại" khẳng định: Chỉ cần sử dụng một lượng tỏi nhỏ trong bữa ăn hàng ngày cũng có tác dụng tốt đến hệ miễn dịch. Qua nghiên cứu, B. Lau cho rằng tỏi và các loại rau quả khác nếu được dùng đều đặn thì có thể ngăn ngừa được bệnh ung thư, tim mạch hay nhiều bệnh nguy hiểm khác. Tỏi là một dược thảo có tác dụng toàn diện đối với sức khỏe con người. Tỏi hoạt động như một loại thuốc kháng sinh, thuốc chống virus, một chất bồi bổ hệ thống miễn dịch, chất chống ung thư...

Ở Trung Quốc, qua công trình nghiên cứu bệnh ung thư thanh quản ở Thượng Hải, các nhà nghiên cứu cho biết ung thư hầu như không xuất hiện ở những người dùng nhiều tỏi và cam quýt trong bữa ăn hàng ngày.

Còn với ung thư dạ dày? Theo kết quả điều tra về mối tương quan giữa những người dùng tỏi ở tỉnh Sơn Ðông, các nhà nghiên cứu Viện y tế cộng đồng Trung Quốc cho biết những cư dân có tập quán ăn tỏi thường xuyên thì tỷ lệ ung thư dạ dày thấp (0,03% so với 0,4% ở những người rất ít ăn tỏi). Một bác sĩ thuộc Viện y học Sơn Ðông cũng xác nhận tỷ lệ ung thư dạ dày ở những người thường xuyên ăn tỏi thấp hơn 60% so với những người khác cùng khu vực nhưng không dùng tỏi. Những nghiên cứu ở Ý và Hà Lan cho thấy tỷ lệ ung thư dạ dày giảm đi ở những người thường xuyên dùng tỏi trong bữa ăn. Tiến sĩ Michael Wargovich ở Ðại học South California phát hiện ra tỏi còn hoạt động như một chất chống ung thư cả trong khâu phòng bệnh và chữa bệnh. Những nghiên cứu của ông cho thấy mối liên quan giữa việc dùng tỏi với lượng chất nitơ giảm ở người và lượng tử vong vì ung thư dạ dày cũng ít đi. M. Wargovich giải thích: Trong tỏi có một hợp chất gọi là diallyl disulfide có thể làm tiêu các khối u đi một nửa. Ngoài ra hợp chất S. Allyleystein cũng có thể ngăn chặn các chất gây ung thư xâm nhập tế bào tuyến vú.

Với ung thư phổi thì có một nghiên cứu của các chuyên gia độc chất học trường Ðại học Tổng hợp Queen ở Canada. Họ đưa chất dễ gây ung thư mô phổi động vật vào 2 lô chuột: lô A được tiêm chất chiết xuất từ tỏi, còn lô B dùng làm đối chứng không được tiêm. Kết quả lô A không hề hấn gì, còn lô chuột B thì ung thư phát triển.

Những lập luận về cơ chế
Các nhà nghiên cứu cho rằng mọi khối ung thư đều trải qua ba giai đoạn phát triển, và ở giai đoạn nào chúng cũng bị tỏi chống phá. Trong giai đoạn đầu tiên, hoạt động của oxy trong cơ thể qua quá trình oxy hóa chuyển thức ăn thành năng lượng đã sản sinh ra các gốc tự do (loại chất có hại) gây thương tổn các tế bào khiến nó phát triển bất thường. Việc ăn tỏi hàng ngày (và một số rau quả giàu chất chống oxy hóa) có thể vô hiệu hóa các gốc tự do. Các chất chống oxy hóa trong tỏi có khả năng tấn công khối u trước khi nó có thể nhen nhóm. Việc bổ sung các vitamin C, E, beta-caroten cũng có tác dụng nhưng không mạnh bằng tỏi và chè xanh (có tác dụng mạnh gấp 10 lần). Ở giai đoạn thứ hai là giai đoạn phát bệnh, những tế bào ung thư sẽ phát triển nhanh nếu các hệ thống miễn dịch ban đầu bị phá vỡ. Lúc này tỏi sẽ có tác dụng ngăn không cho các tế bào ung thư phát triển, tiêu diệt sự phát triển của những mạch máu mới nuôi sống khối u. Một chất khoáng rất cần cho cơ thể lúc này là selen - có rất nhiều trong tỏi. Selen là một chất chống oxy hóa rất mạnh nên có thể giúp cơ thể chống lại ung thư.

Các nhà khoa học Pháp thuộc Trung tâm nghiên cứu Nông học quốc gia (INRA) còn đưa ra lập luận: Trong thành phần của tỏi chứa một số hợp chất có khả năng ức chế hoạt động của các chất gây ung thư. Tuy nhiên chúng không tác dụng trực tiếp mà kích thích các enzyme của cơ thể có khả năng ngăn chặn quá trình tạo thành các chất gây ung thư.

Nên dùng tỏi như thế nào?
Tỏi có khả năng giúp cơ thể phòng ngừa được ung thư, đó là điều nhiều nhà khoa học đã thừa nhận. Còn vấn đề tỏi có chữa được ung thư khi đã phát triển thành khối u hay không? Ðể trả lời câu hỏi này, cần tiếp tục có những công trình nghiên cứu dùng tỏi vào điều trị ung thư thực sự trên bệnh nhân. Trước mắt, mọi người nên sử dụng tỏi trong bữa ăn hàng ngày với mức độ vừa phải nhằm phòng bệnh là chính, tăng cường hệ thống miễn dịch tự nhiên có lợi cho sức khỏe. Hoặc cũng có thể pha rượu tỏi theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới đã có lần phổ biến: dùng 40g tỏi khô (đã bóc vỏ) thái nhỏ, ngâm với 100ml rượu trắng 45 độ, để sau 10 ngày thì dùng, mỗi ngày uống 40 giọt (tương đương 1 thìa cà phê). Ngâm liên tiếp từng mẻ nhỏ như vậy để sử dụng thường xuyên.
Bs. Vũ Hướng Văn
Theo
http://www.amthuc365.vn/

Thứ Năm, 9 tháng 4, 2009

Lễ hội tỏi
Lễ hội tỏi là một trong những lễ hội truyền thống nổi tiếng nhất tại Gilroy - một thành phố nông nghiệp thuộc tiểu bang California nước Mỹ - để vinh danh cây tỏi, còn được mệnh danh là “The stinking rose - hoa hồng có mùi”Bài và ảnh : Phan Quang Minh

Nằm ở phía Bắc tiểu bang Califor- nia, cách San Francisco khoảng 80 dặm về hướng Nam, Gilroy là một thành phố có diện tích rất rộng nhưng dân cư thưa thớt. Người dân đa phần sống bằng nông nghiệp, đặc biệt chuyên trồng tỏi. Những cánh đồng tỏi rộng bao la bát ngát, những nhà máy chuyên sản xuất tỏi thành phẩm là “cảnh vật” đặc trưng của vùng này. Đây có thể nói là nguồn cung cấp tỏi gia vị lớn nhất cho xứ cờ hoa.
Đến hẹn lại lên
Hằng năm vào mùa hè, sau khi thu hoạch tỏi xong là cả thành phố Gilroy tưng bừng nhộn nhịp chuẩn bị cho lễ hội tỏi - Garlic Festival. Lễ hội tỏi đầu tiên được sáng lập bởi ba vị Rudy Mel- one, Val Filice và Don Christopher vào tháng 8 năm 1979. Đến nay lễ hội tỏi đã trở thành một trong những lễ hội truyền thống nổi tiếng nhất để vinh danh cây tỏi, còn được mệnh danh là “The stinking rose - hoa hồng có mùi”. Đặc biệt năm nay là năm kỷ niệm lần thứ 30, được tổ chức vào 3 ngày cuối tuần từ 25/7 - 27/7/2008, lễ hội không những thu hút hầu hết cư dân địa phương trong vùng mà còn có cả rất nhiều du khách từ phương xa cũng cất công kéo về tham dự, góp phần cho lễ hội tỏi càng đông vui và tấp nập hơn mọi năm.

Tọa lạc trên một cánh đồng tỏi đã được thu hoạch xong và san bằng rộng hàng trăm hecta, lễ hội được chính quyền địa phương tổ chức một cách hoàn mỹ với hơn 100 ngàn tình nguyện viên và đã thu hoạch về cho ngân sách gần 8 triệu Mỹ kim trong vỏn vẹn 3 ngày trời!

Từ bãi đậu xe xung quanh khu vực hội chợ, du khách được xe buýt miễn phí chở đến tận cổng. Giá vé năm nay cho người lớn là 12 Mỹ kim, trẻ em và người lớn tuổi là 6 Mỹ kim, trẻ dưới 5 tuổi thì không phải mua vé. Diện tích hội chợ rộng có đến hàng trăm hecta, trung tâm là một nhà bạt rất lớn với sức chứa cả ngàn người, được kê hàng loạt bàn ghế cho du khách nghỉ chân ăn uống và một sân khấu đầy đủ nhạc cụ, luôn có một ban nhạc chuyên nghiệp trình diễn những điệu nhạc hiện đại lẫn dân gian vui nhộn réo rắt.

Món ngon từ tỏi
Điểm thu hút chính của hội chợ tất nhiên là chuỗi hơn 50 gian hàng ẩm thực san sát nhau, vô cùng phong phú. Lẫn trong tiếng nhạc, tiếng người huyên náo là âm thanh xì xèo, tí tách của những món ăn đang được xào nấu tại chỗ. Có thể nói không ngoa rằng bạn chắc chắn sẽ được thưởng thức hầu hết các món ăn liên quan đến tỏi tại đây. Từ bánh mì nướng bơ tỏi, pizza tỏi, khoai tây tỏi. Rồi còn bắp nướng tỏi, xúc xích tỏi. Có cả bỏng ngô với hương vị tỏi.

Nhưng độc đáo nhất vẫn là gian hàng tỏi chiên giòn. Chỉ đơn giản là những tép tỏi elephant - một loại tỏi khổng lồ với những củ đường kính to bằng cả gang tay, được áo một lớp bột mỏng với ít muối cho thêm đậm đà rồi chiên giòn, xỏ xâu. Du khách cứ thế vừa đi vừa ăn một cách thú vị từng tép tỏi có lớp vỏ giòn tan, nhân bên trong bùi bùi với mùi thơm đặc trưng của tỏi.Sau khi thử thỏa thuê đủ loại món ăn với tỏi, du khách lại được một phen bất ngờ vì cả món tráng miệng cũng được làm với… tỏi. Nào là chocolate tỏi, kem vani tỏi, bánh hạnh nhân tỏi…

Trong khi du khách thoải mái thưởng thức ẩm thực với tỏi thì có một nhóm người cũng thưởng thức những món ăn tỏi nhưng bằng một cách cân nhắc và đắn đo hơn. Đó là hội đồng giám khảo cuộc “Công thức nấu ăn với tỏi” - một hội đồng bao gồm những vị bếp trưởng trứ danh nhất. Mỗi năm đều có cả hàng trăm công thức gửi đến dự thi trên toàn nước Mỹ và cả Canada để cuối cùng chỉ có 8 công thức được chọn và các tác giả sẽ nấu trình diễn ngay tại lễ hội. Người thắng cuộc sẽ được đội một vòng nguyệt quế tết bằng cành tỏi và giải thưởng 1.000 Mỹ kim.

Ngoài ra còn nhiều hoạt động khác không kém phần hấp dẫn. Bạn quan tâm đến cách thức trồng tỏi ư? Có cả một khóa học giải thích cặn kẽ về việc này ngay trong hội chợ. Nhiều du khách xếp hàng để mua bằng được chiếc mũ vải ngộ nghĩnh được thiết kế giống như củ tỏi và tranh thủ đội chiếc mũ độc đáo này để chụp hình với hoa hậu lễ hội tỏi. Chức danh hoa hậu năm nay thuộc về cô Ariele Combs, 24 tuổi, sinh viên ngành lịch sử học. Trẻ em thì mải mê với khu vực vui chơi của mình. Có hẳn sân khấu riêng trình diễn liên tục các màn ngoạn mục của các nhân vật thần thoại và nhiều hoạt động khác như vẽ tranh, múa rối, ảo thuật…

Chiều dần tắt nắng, du khách lần lượt ra về. Không ai là không hớn hở vì hai tay trĩu nặng những túi elephant garlic - củ tỏi voi khổng lồ - hoặc những món quà lưu niệm xinh xắn khác như một dây củ tỏi được bện khéo léo, hay tỏi ngâm trong chai thủy tinh rất nghệ thuật. Chắc hẳn người nào cũng thầm hứa với lòng, năm sau đến hẹn lại lên và sẽ giới thiệu người thân bạn bè cùng theo để tham dự lễ hội tỏi có một không hai nơi đây.
Theo:
http://www.monngonvietnam.com/

Chữa bệnh với tỏi
Trong củ tỏi có i-ốt, selen là chất vi lượng chống oxy hóa, nên có tác dụng chống suy lão rất tốt. Ăn tỏi thường xuyên có thể đề phòng bệnh cơ tim, cao huyết áp, thiếu máu, mỡ máu...
Trong tỏi còn có nguyên tố vi lượng Giecmani có tác dụng chống ung thư, do vậy ăn tỏi còn có tác dụng phòng ngừa ung thư rất tốt.


Lương y Vũ Quốc Trung hướng dẫn cách dùng tỏi chữa bệnh như sau:

Để chữa cao huyết áp có thể dùng tỏi ngâm trong rượu bằng cách:
- 1 phần tỏi đã bóc vỏ lụa (100g) ngâm trong 500 ml rượu 60 độ trong 15 ngày, thỉnh thoảng lắc nhẹ để hoạt chất trong tỏi tan trong rượu.
- Mỗi ngày dùng 20 đến 50 giọt rượu này chia làm 3 lần trong ngày, không được uống quá nhiều, vì không những không hạ huyết áp mà còn làm tăng huyết áp.
- Chỉ uống rượu tỏi trong trường hợp có tăng huyết áp (huyết áp tối đa trên 140 mmHg và huyết áp tối thiểu trên 90 mmHg).


Phòng chữa viêm ruột, kiết lỵ:
Mùa hè, trong mỗi bữa ăn nên dùng 1-2 tép tỏi, hoặc lúc ăn thức ăn nguội thì ăn nước tỏi ép với lượng vừa phải, có tác dụng phòng bệnh (còn khi chữa bệnh thì dùng mỗi lần 1 củ tỏi).
Để chữa viêm dạ dày gây nôn ói, thì dùng 2 củ tỏi nướng chín ăn với mật ong.
Để phòng cảm cúm và cảm gió:
Lấy tỏi lượng vừa đủ giã nhuyễn, rồi cho nước sôi (vừa phải) vào đánh đều ép lấy nước, nhỏ mũi ngày 3 lần, mỗi lần 3-5 giọt, làm liên tục 3-4 ngày.


Chữa viêm khí quản mãn tính:
- Dùng 10 củ tỏi, 200 ml giấm, 100g đường đỏ.
- Bóc vỏ tỏi, giã nát nhừ, cho đường vào đánh kỹ, cho vào giấm ngâm 3 ngày, lọc bỏ bã, mỗi lần uống nửa thìa canh với nước đun sôi để nguội, ngày dùng 3 lần.


Chữa rụng tóc:
Dùng tỏi tía, bóc vỏ cắt đôi, xát đi xát lại chỗ tóc rụng ngày làm 1-2 lần.
Chữa ho kéo dài từng cơn:
Lấy 16g tỏi bỏ vỏ giã nát, 60g đường trắng cho tan vào 200 ml nước sôi rồi cho vào tỏi đã giã, ngâm 24 giờ, lọc bỏ bã, lấy nước, ngày uống 3 - 4 lần, mỗi lần 10 ml.
(Theo Tiền phong)

Thứ Hai, 6 tháng 4, 2009

Cách trồng Cây tỏi ta


Tỏi ta là một trong ba loại sản phẩm (cùng với ớt và hạt tiêu) giữ vai trò chính trong mặt hàng gia vị xuất khẩu của Việt Nam. Trong những năm vừa qua đã xuất khẩu tới 2.000 tấn/Năm. Tuy nhiên chất lượng sản phẩm chưa cao. Nhưng có thể khắc phục được khâu giống và biện pháp canh tác.
Tiếng Anh: Garlic
Tên khoa học:Allium Sativum L.

1/ Đặc điểm sinh học của cây tỏi ta:
Xuất xứ của hành tỏi nói chung ở các nước Trung Á. Do vậy tỏi ưa nhiệt độ mát và là cây chịu lạnh. Nhiệt độ cần thiết để cây sinh trưởng và phát triển là 18-20­oC để tạo củ cần nhiệt độ 20-22o C. PH thích hợp từ 6-6,5. Đất thích hợp lá thịt nhẹ tơi xốp giàu mùn.

2/ Giống tỏi:
- Tỏi địa phương: tỏi gié, tỏi trâu trồng nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Các tỉnh Duyên hải miền Trung thường trồng các giống tỏi nhập nội củ to còn gọi là tỏi tây (Nhóm Allium Porrum L.).
- Tỏi trắng: Lá xanh đậm to bản, củ to, đường kính củ 4-4,5 cm khi thu hoạch vỏ lụa củ màu trắng. Khả năng bảo quản kém hay bị óp.
- Tỏi tía: lá dày, cứng, màu lá xanh nhạt, củ chắc và cay hơn tỏi trắng. Dọc thân gần củ có màu tía. Khi thu hoạch có màu trắng ngà. Mỗi củ có 10-11 nhánh (tép), đường kính củ 3,5-4 cm. Giống này có hương vị đặc biệt nên được trồng nhiều hơn giống tỏi trắng.
Năng suất của 2 giống trên đạt trung bình 5-8 tấn củ khô/Ha.

3/ Kỹ thuật trồng:
a/ Thời vụ:
- Ở Đồng bằng Sông Hồng: Trồng 25/9-5/10. Thu hoạch 30/1- 5/2.
- Ở Khu vực miền Trung: Trồng tháng 9-10. Thu hoạch tháng 1-2.

b/ Làm đất, bón phân, trồng củ:
- Đất trồng tỏi phải thoát thuỷ tốt. Luống rộng 1,2-1,5 cm, rãnh 0,3 cm. Sau khi lên luống rạch hàng bón phân, mỗi luống trồng 6 hàng, khoảng cách 20 cm.
- Bón phân: Cho 1 Ha: 20 tấn phân chuồng + 300 Kg đạm Urê + 500 Kg Super lân + 240 Kg Sulfat Kali. Đất chua cần bón thêm vôi bột. Khối lượng vôi tuỳ độ chua của đất.
Toàn bộ vôi bột, phân chuồng, lân và 1/3 số đạm, kali dùng để bón lót. Rải đều theo hàng và trộn kỹ. Số đạm và kali còn lại dùng để bón thúc.
- Trồng củ: Tỏi giống chọn những nhánh từ củ chắc.Trọng lượng củ 12-15 gam, có 10-12 nhánh. Mỗi Ha cần 1 tấn tỏi giống (370 Kg/sào). Khoảng cách trồng mỗi nhánh 8-10 cm. Ấn sâu 2/3 nhánh tỏi, phủ đất nhỏ lên trên. Sau khi trồng dùng rơm rạ băm nhỏ phủ một lớp dày 5 cm để giữ ẩm và hạn chế cỏ mọc.

c/ Chăm sóc: Tưới nước đều đến khi cây mọc và có 3-4 lá thật thì tưới nước vào rãnh để nước thấm lên dần. Mỗi lần tưới kết hợp bón thúc.

d/ Phòng trừ sâu bệnh:
- Bệnh Sương mai (Peronospora destructor Unger.) Xuất hiện vào cuối tháng 11 dương lịch khi nhiệt độ thấp và ẩm độ không khí cao. Phòng bệnh: Dung dịch Boóc-đô 1% (1 kg phèn xanh + 1 kg vôi cục + 100 lít nước) hoặc Zineb 80%. Pha 2-4 phần ngàn phun với lượng 18-20 lít/sào Bắc bộ. Ngòai ra ngày có sương nên rửa sương.
- Bệnh Than đen (Urocystis Cepula Prost): Bệnh xuất hiện trên củ khô củ sắp thu hoạch và cả trong thời kỳ bảo quản. Cách ly những củ bị bệnh dùng Zineb 80% để phun trừ.

e/ Thu hoạch để giống:
Củ thương phẩm thu hoạch sau khi trồng 125-130 ngày lúc lá đã già, gần khô. Nhổ củ giũ sạch đất bó thành chùm treo trên giàn ở chỗ thoáng để bảo quản. Nếu nhiều để vào kho trên giàn nhiều tầng.

Củ giống phải có thời gian sinh trưởng trên 140 ngày. Chọn những củ đường kính 3,5-4 cm, có 10-12 nhánh không bị bệnh để riêng, bó thành bó nhỏ treo nơi thoáng mát hoặc trên giàn bếp.

Theo
http://www.ninhthuan.gov.vn/

Thứ Tư, 1 tháng 4, 2009

Những câu hỏi về Tỏi.


Tỏi ( ail, garlic, Allium sativum) là gia vị được dùng rất rộng rãi trong ẩm thực . Pha nước mắm, ướp thịt , ướp cá , chiên , xào rau muống , kho hay nướng muốn cho ngon, cho thơm thì không thể nào thiếu tỏi được hết. Tỏi cũng còn được ngâm giấm làm dưa để chúng ta nhâm nhi chơi trong ba ngày Tết . Có người chỉ thích ăn tỏi sống để có thể tận hưỡng cái hương vị vừa dòn dòn vừa nồng nồng cai cai của nó mà thôi . Bên cạnh những ích lợi về mặt dinh dưỡng, tỏi cũng còn được sử dụng như 1 vị thuốc để phòng và trị một số bệnh tật .
Con người đã biết dùng tỏi để trị bệnh từ bao giờ ?
Theo tài liệu , có lẽ tỏi đã được sử dụng để trị bệnh từ 4.000-5.000 năm về trước tại Trung Quốc, Nhật bãn, Hy lạp, La mã , Ai cập…Năm 1858, Pasteur đã chứng minh được tính kháng khuẩn (antibacterial) của tỏi . Trong đệ nhất thế chiến, người ta đã dùng bông gòn nhúng vào nước tỏi và đắp lên các vết thương để ngừa nó không làm độc sinh hoại thư ( gangrene) . Quân đội Nga cũng đã từng sử dụng nước tỏi để chữa trị các vết thương trong đệ nhị thế chiến vừa qua . Tại Việt nam từ lâu , tỏi vẩn được xem là 1 vị thuốc vườn rất hữu ích để trị bá bệnh . Tứ thời cãm mạo, ho hen , bị nghẹt mũi hay bị xổ mũi , đau bụng tiêu chãy, xổ lãi , bị rắn rết cắn …thì cứ lấy tỏi mà ăn , mà uống , mà chà xát vào da , mà nhỏ vào mũi hoặc vào tai . Từ 30 năm nay kỹ nghệ thực phẩm và dược phẩm thiên nhiên cũng đã tung sản phẩm tỏi ra thị trường và nhờ khéo quảng cáo nên họ đã gặt hái được kết quã rất mỹ mản . Ngoài ra , 1 số người sống ở vùng nông thôn các xứ Tây phương vẩn còn mang nặng đầu óc dị đoan nên họ thường tin tưởng rằng treo các xâu tỏi trước cổng nhà là có thể trừ được tà ma như dracula, và vampire .



Hoạt chất của tỏi .
Tỏi có chứa nhiều hợp chất sulfur ,như ajoene , S-allyl cysteine và thiosulfinates trong đó allicin được xem như hoạt chất chính cũa tỏi. Allicin được tạo ra khi chất alliin ( là 1 amino acid có sulfur) tiếp xúc với enzyme allinase lúc tỏi được nhai, bằm nhỏ hay được nghiền nát . Chất allicin tạo mùi hôi đặc biệt của tỏi. Allicin còn được xem như 1 chất kháng sinh thiên nhiên .Tỏi chứa nhiều chất chống oxyt hóa ( antioxidants) rất tốt để trung hòa các gốc tự do ( free radicals) là những chất làm tổn hại đến các tế bào .

Dùng tỏi để phòng trị bệnh gì ?
Theo giới Đông y và kỹ nghệ thuốc thiên nhiên thì tỏi được dùng để phòng và trị rất nhiều bệnh thông thường như: làm tăng sức miễn dịch, ho hen cảm cúm, đau bụng ,tiêu chãy, kiết lỵ ,nhiễm trùng , bệnh đau bao tữ , các bệnh nhiễm nấm (như bệnh chân voi và những bệnh do nấm Candida albicans ) , tình trạng bị mụn nhọt ghẻ lỡ , giúp máu huyết lưu thông được dể dàng , xổ lãi , trị rắn rết cắn, đau tai , giúp long đàm dể thở , trị phong thấp, viêm khớp , ngừa bệnh tim, ngừa tai biến mạch máu não, hạ cholesterol, hạ đường máu , ngừa dị ứng,và 1 vài loại cancer vv… Phía Tây y cũng đã thực hiện rất nhiều công trình nghiên cứu về tỏi và họ đã đưa ra kết luận là tỏi có thể có một ít tác dụng tốt trên sức khỏe mặc dù các tác dụng này còn rất khiêm tốn chớ không phải quá đáng như các giới thuốc thiên nhiên thường hay quảng cáo . Sau đây là 1 số nhận xét cũa các nhà khoa học về tác dụng của tỏi :
- Làm giảm thiểu tiến trình xơ cứng động mạch (atherosclerosis,) ngăn chận sự kết tụ của tế bào máu ( antiplatelet) , ngừa máu bị đóng cục , giúp tăng sức đàn hồi (elasticity) của động mạch và giúp máu được loãng hơn lưu thông được dể dàng.
- Làm giảm rất ít , lối 6% cholesterol và triglyceride trong máu qua thí nghiệm ngắn hạn 3 tháng nhưng thí nghiệm trong thời gian lâu dài hơn 6 tháng thì cho kết quả không mấy rỏ rệt .
- Trường hợp bị cao áp huyết ở thể nhẹ , tỏi có thể giúp làm giảm áp huyết đôi chút .
- Chứa nhiều chất chống oxid hóa ( antioxidants) rất tốt cho sức khỏe.
- Có ít nhiều tính năng ngăn chận sự xuất hiện của 1 vài loại cancer (antineoplastic effect) , chẳng hạn như cancer ruột , cancer tiền liệt tuyến.Đối với cancer dạ dầy ,tuy kết quả các thí nghiệm lâm sàng đều négatif nhưng 1 số nhà nghiên cứu vẩn tin tuởng rằng tỏi vẩn có ích để ngừa sự xuất hiện của loại cancer này nhờ vào khả năng kháng với 1 loại vi khuẩn đặc biệt sống trong bao tữ , đó là Helicobacter pylori ,tác nhân của bệnh loét dạ dày thường dẫn đến cancer bao tữ ..
- Giúp tăng cường sức miễn dịch lên , ngừa cãm cúm .
- Ngừa nhiễm trùng các loại kể cả nhiễm nấm gây nên bệnh chân voi ( athlete’s foot hay tinea pedis ) thường thấy xảy ra tại những nơi nóng và ẩm như tại các phòng thay quần áo ở hồ bơi . Thông thường bệnh chân voi được chửa trị bằng thuốc kháng nấm terbinafine, nhưng thí nghiệm dùng chất trích của tỏi có chứa hoạt chất ajoene cũng có thể chữa hết bệnh sau 2 tháng .
- Vấn đề ngăn ngừa muổi mồng chích , tỏi tỏ ra không mấy hửu hiệu cho lắm .
- Bệnh tiểu đường , các thí nghiệm cho biết là tỏi chỉ làm giảm đường lượng 1 cách không đáng kể .

Còn nhiều trở ngại để xác định chổ đứng của tỏi trong trị liệu .
Mặc dù rất nhiều công trình khảo cứu khoa học đã được thực hiện về tỏi nhưng cũng còn nhiều trở ngại nhất là việc thiếu thí nghiệm lâm sàng(clinical assay) cũng như hoạt chất của tỏi khó được định chuẩn (standardize) 1 cách dể dàng và chính xác bởi lẽ có tỏi non và có tỏi già cũng như tỏi dùng trong các cuộc thí nghiệm có thể ở dưới nhiều dạng khác nhau . Các phương pháp và quy trình thí nghiệm cũng chưa được đồng nhất với nhau vì vậy chúng thường cho ra những kết quả khó tiên liệu trước được. Các nhà khoa học trên thế giới cũng chưa hoàn toàn thống nhứt ý kiến với nhau và một số kết quả thí nghiệm về tỏi vẩn còn nằm trong vòng tranh luận.

Tỏi có thể gây ra 1 vài phản ứng phụ .
Nói chung các phản ứng phụ đều rất nhẹ . Trước hết là mùi hôi thoát ra từ miệng, từ hơi thở , từ mồ hôi , từ da và cả lúc đi toilet nữa nếu chúng ta ăn nhiều tỏi và ăn quá thường xuyên . Nếu ăn nhiều tỏi sống ,đôi khi chúng ta có thể cãm thấy hơi khó chịu trong bao tữ , gây xót ruột , hoặc ói mữa và tiêu chãy . Nước tỏi tươi dùng ngoài da có thể gây dị ứng như làm đỏ da hay phòng da ở 1 số người. Xúc miệng thường xuyên, nhai ngò hoặc kẹo chewing gum có thể giúp hơi thở bớt hôi tỏi 1 phần nào .

Cẩn thận khi uống thuốc tỏi
Không nên ăn quá nhiều tỏi hoặc uống thuốc tỏi nếu các bạn đang mắc các chứng bệnh về máu huyết vì tỏi có khuynh hướng làm loãng máu.
Không nên lạm dụng tỏi nếu bạn đang xài các thuốc trị bệnh tiểu đường chẳng hạn như các loại thuốc uống làm hạ đường huyết , thuốc chích Insuline( tỏi có thể làm tăng tác dụng và làm thay đổi số lượng thuốc đang được sử dụng ), các thuốc trị Sida, hoặc bạn đang có những bệnh thuộc về đường tiêu hóa hay đang chuẩn bị để được giải phẩu trong vòng 2 tuần sắp tới vì tỏi có thể ảnh hưởng đến thời gian đông máu . Hoạt chất của tỏi có thể được tiết qua sữa mẹ và có thể làm cho các trẽ sơ sinh bị đau bụng . Không nên sử dụng tỏi sau khi được ghép bộ phận vì tỏi có khuynh hướng kích thích sự loại bỏ của bộ phận vừa mới được ghép vào

Tỏi có thể tương tác với những loại thuốc nào ?
Các dược phẩm và các loại thuốc thiên nhiên sau đây có thể bị làm thay đổi tác dụng (hoặc tăng hoặc giảm ) nếu được dùng cùng 1 lúc với tỏi :
- Thuốc trị nấm Ketoconazole ( Nizoral) và Itraconazole (Sporanox).
- Thuốc ngừa thai .
- Thuốc kháng đông và thuốc ngăn cản sự kết tụ máu : Warfarin(Coumadin) , Clopidogrel ( Plavix), Ticlopidine (Ticlid), Enoxaparin ( Lovenox) và Heparin,… : có thể kéo theo nguy cơ bị xuất huyết .
- Các thuốc chống đau nhức thuộc nhóm NSAIDS ( Nonsteroidal antiinflammatory Drugs) như Naproxen ( Naprosyn, Aleve, Anaprox) , Ibuprofen (Advil, Motrin) ,…….
- Các thuốc trị bệnh tim thuộc nhóm Calcium channel blockers như Diltiazem ( Cardizem), Amlodipine (Norvase ),Verapamil (Chronovera , Isoptin) , Nifedipine ( Adalat),….
- Các thuốc ngăn ngừa sự loại bỏ của bộ phận ghép, như Cyclosporine ( Neoral),…
- Các thuốc trị dị ứng như Fexofenadine ( Allegra) .
- Các loại thuốc thiên nhiên có tính làm loãng máu như capsicum , Ginkgo, angelica , sâm nhung ( panax ginseng ) , horseradish , củ hành , nghệ (turmeric) , cam thảo ( Licorice ) …
- Vitamine E được dùng với liều lượng quá cao.
- Thuốc trị cao áp huyết như Lozartan ( Cozaar )
- Các thuốc kháng siêu vi ( antiviral ) như Saquinavir( Fortovase, Invirase) , Ritonavir (Norvir) , Nevirapine( Viramune) ….
- Các thuốc trị cancer như Vincristin ( Oncovin), Etoposide (VePesid) , Paclitaxel ( Taxol) …

Các cách dùng tỏi để phòng bệnh .
Trong thực tế rất khó ấn định được liều lượng hữu hiệu của tỏi dùng để phòng hay để trị bệnh . Cần tuân theo lời chỉ dẩn ghi trên hộp thuốc .
Dể nhất là ăn tỏi sống, mổi ngày nên ăn 2 tép . Tỏi sống tuy có trở ngại là làm cho hơi thở hôi , nhưng ngược lại nó có tính sát trùng và kháng khuẩn cao hơn tỏi chín .
- Dầu tỏi ( huile d’ail, distillation à la vapeur d’eau )
- Rượu tỏi ( teinture, 1:5 , 45 % éthanol ): 30-50 giọt/ngày
- Tỏi khô ( ail séché ) : 2-5 gr /ngày
- Bột tỏi khô (poudre d’ail déshydraté ) :400-1.200mg/ ngày
- Các chất trích được định chuẩn ( extrait standardisé , mỗi gram bột tỏi chứa 1,3% chất alliine có tiềm năng tạo ra từ 3,6 mg đến 5,4 mg allicine). Allicin : 2.000-5.000micrograms(mcg) / ngày
- Thuốc mỡ ( crème)để thoa ngoài da ( có hoạt chất ajoene 0,4%- 1% )
- Tỏi cô lãnh ( ail cryogenique, cryogenic garlic): để giử cho phẩm chất được tốt , chất trích của tỏi được làm cô lãnh lyophylisation, cryodessication ở 1 nhiệt độ thật thấp (-73 độ C hay -100 độ F ) và trong môi trường chân không . Tại Canada , tỏi cryogenic được định chuẩn hóa và có tiềm năng (allicin yield, allicin potential) tạo ra từ 900 micrograms (mcg) đến 4200mcg allicin cho mỗi viên tùy theo hiệu. Tỏi viên không có chứa allicin mà chỉ có alliine và enzyme allinase . Chính phản ứng giữa 2 chất nầy khi tỏi tan sẽ tạo ra allicin. Để tránh cho allinase khỏi bị acid của bao tữ làm hủy hoại đi , nhà bào chế đã cho áo bọc viên thuốc lại (enrobage entérosoluble, enteric coated tablet) và nó chỉ tan ra khi nào vào đến ruột . Với phương pháp này, allicin được hấp thụ ngay tại ruột và nhờ vậy sẽ tránh được phần nào tình trạng làm cho hơi thở có mùi hôi tỏi . Để tăng tính trị liệu, đôi khi người ta cho trộn thêm vào thuốc tỏi các loại thuốc thiên nhiên sau đây : ngò (persil) để khử mùi hôi của tỏi, échinacée + astragale để tăng thêm sức miễn dịch ngừa cảm cúm , lécithine để giúp làm tan mỡ và tan cholesterol trong máu , aubépine( hawthorn)+ ớt cayenne để giúp máu lưu thông dể dàng , vitamin C hay nhân sâm ginseng hoặc gừng để tăng thêm sinh lực .
- Tỏi ủ ? ( ail vieilli, kyolic garlic, aged garlic extract ,AGE ). Có được qua phương pháp ủ tỏi trong các thùng inox trong 1 thời gian rất dài khoãng 2 năm . Suốt quá trình nầy chất alliine sẽ được chuyễn hóa ra thành rất nhiều hợp chất khác liên hệ đến allicin (allicin related compounds) ,nhưng không hẳn là chất allicin thật sự . Nhờ thế mà hơi thở người sử dụng khỏi bị hôi mùi tỏi . Mặc dù không phải allicin nhưng các hoạt chất khác của tỏi kyolic cũng có giá trị cao để bảo vệ sức khỏe , tuy nhiên chúng ta cần phải dùng đến những liều lượng thật lớn mới mong có được kết quả mong muốn . Tỏi kyolic được bán dưới dạng viên và thường được kết hợp với các loại thuốc thiên nhiên khác .

Lo ngại về chất lượng của thuốc tỏi bán trên thị trường .
Đối với sản phẩm có ghi chú những câu như :
-Allicin rich (Giàu chất allicin): câu này sẽ không có ý nghĩa gì hết nếu không có kèm theo số lượng tính bằng phần triệu của gram (micrograms) allicin mà nó tạo ra .
-Alliin amount (Số lượng alliin ): một vài loại sản phẩm có ghi nồng độ chất alliin chứa đựng trong viên thuốc ,nhưng nên biết rằng chỉ có từ 10% đến hơn 50% alliin được chuyễn ra thành allicin và sự chuyễn hóa nầy còn tùy thuộc vào số lượng và hoạt tính của enzyme alliinase trong thuốc tỏi .

Tỏi tươi và tỏi khô : 1 gram tỏi tươi có thể tạo ra khoảng từ 1.000 đến 3.333 micrograms allicin. Một gram tỏi khô trên nguyên tắc phải cho ra 1 số allicin gấp 3 lần số trên . Tuy nhiên kết quả cũng còn tùy thuộc vào mức độ khô của tỏi .
Các chất trích ( extracts ) : Ở thể này ,trên lý thuyết số hoạt chất chứa đựng phải đậm đặc và nhiều hơn nếu so sánh với tỏi tươi hoặc với cã tỏi khô nữa . Tuy nhiên trong thực tế , phẩm chất của chất trích cũng không có mấy khác biệt gì với bột tỏi khô bình thường .
Hàng dõm : khó tránh khỏi ! Số lượng hoạt chất ghi trên nhản hiệu chưa chắc là phản ảnh trung thực của món thuốc bên trong .

Kết luận
Tại Canada và Hoa Kỳ , thuốc tỏi chỉ được xếp vào nhóm thực phẩm bổ sung ( dietary supplements) chớ nó không được xem như 1 dược phẩm đúng nghĩa . Bởi lý do này cho nên thuốc tỏi không bị kiễm soát chặt chẻ như thuốc Tây . Giới y khoa còn rất e dè và hoài nghi về tính năng trị liệu của tỏi . Đối với một số người mình thì tỏi được xem như 1 “ dược phẩm ” nhiệm mầu, và họ có vẽ rất tin tưởng vào tỏi để giúp họ trong việc phòng trị 1 vài chứng bệnh lặt vặt . Có người còn chế ra món tỏi ngâm rượu để uống hằng ngày nữa . Có hỏi họ thì họ trả lời là “ uống thấy cũng đở lắm ” và có người còn dám nói thêm rằng rượu tỏi là loại quý tửu thuộc loại “ông uống bà khen ” nữa. Đúng hay sai khó có ai biết được. Tỏi rất rẻ tiền, ít có phản ứng phụ, tại sao chúng ta không thử . Hãy xem nó như 1 loại gia vị giúp cho đời thêm hương ( hay thêm hôi ?) . Nhưng dù cho bạn có ăn cã kí lô tỏi đi nữa nhưng nếu không có 1 nếp sống quân bình lành mạnh , như không bỏ thuốc ,không bớt rượu, bớt cà phê , bớt ăn thịt , bớt mỡ dầu, bớt ăn ngọt, bớt ăn quá mặn , không chịu ăn nhiều rau quả tươi , không chừa bỏ ba cái lăng nhăng này nọ , và cũng không năng vận động ,tập thể dục thường xuyên mổi ngày thì chắc chắn tỏi cũng sẽ không có 1 giá trị gì để có thể cãi thiện được sức khỏe của bạn đâu. Lẽ đương nhiên nếu trường hợp bị bệnh nặng ( cao máu hoặc tiểu đường) thì dứt khoác là các bạn cần phải sử dụng đến các loại thuốc Tây đặc trị mới mong có thể ổn định sức khỏe được phần nào ./.

Theo:http://www.khoahoc.net/